Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14:

Kiến nghị trường hợp đặc biệt cho phép bổ nhiệm Đại sứ không đủ tuổi công tác

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Luật Cơ quan đại diện).

Cần Luật hóa điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ trong trường hợp đặc biệt

Các đại biểu đánh giá, Luật Cơ quan đại diện hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như triển khai các quy định mới của Hiến pháp 2013; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước; phù hợp với vai trò, vị thế của cơ quan đại diện trong công tác đối ngoại hiện nay.

Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Dự thảo Luật bổ sung khoản 2 Điều 17, quy định cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền về các mặt: phẩm chất chính trị, đạo đức; trình độ; năng lực, kinh nghiệm; sức khỏe, độ tuổi trên cơ sở bám sát tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh quản lý, lãnh đạo theo các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và đặc thù của ngành ngoại giao.

Về tiêu chuẩn độ tuổi, nguyên tắc chung là Đại sứ được bổ nhiệm phải trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Nhiều đại biểu cho rằng, do yêu cầu của công tác chính trị, đối ngoại và phù hợp thực tiễn về tuổi bổ nhiệm Đại sứ của nhiều nước trên thế giới nên cho phép bổ nhiệm Đại sứ đối với một số trường hợp đặc biệt không đủ độ tuổi đảm bảo trọn nhiệm kỳ công tác nhưng có kinh nghiệm hoạt động đối ngoại lâu năm, có uy tín trong ngành ngoại giao, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ Đại sứ tại một số địa bàn chiến lược và trong lúc chưa có người thích hợp để tiến cử làm Đại sứ.

Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) nêu quan điểm, về cơ bản, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là cán bộ, công chức phải tuân thủ những quy định của Luật Cán bộ, công chức và Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trên thực tế do yêu cầu công tác vẫn cần những cán bộ này trong những trường hợp đặc biệt. Vì thế, việc này giao cho Chính phủ quy định là phù hợp.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Nghiêm Vũ Khải phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tán thành với việc cho phép bổ nhiệm Đại sứ đối với một số trường hợp đặc biệt không đủ độ tuổi đảm bảo trọn nhiệm kỳ công tác, nhưng đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, vấn đề này phải được luật hóa cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn nhằm tránh áp dụng đại trà và phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung quản lý kinh phí của cơ quan đại diện như trong dự thảo Luật. Theo đó, kinh phí hoạt động thường xuyên được cấp cho Bộ Ngoại giao, trừ kinh phí dành cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại theo quy định của Chính phủ; kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn đặc thù được cấp cho cơ quan hữu quan phụ trách hoạt động đó để phân bổ thực hiện và Chính phủ quy định chi tiết điểm này. Một số nội dung về chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện; việc phối hợp giữa đoàn được cử đi công tác nước ngoài với cơ quan đại diện; vấn đề kéo dài nhiệm kỳ đại sứ... đã được trao đổi làm rõ hơn tại phiên thảo luận.

Không thể trì hoãn xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại phiên họp sáng 3/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về nội dung này.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là không thể trì hoãn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Vì thế, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Bên cạnh đó, việc đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 sẽ góp phần giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục; đồng thời đây cũng là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.

Về phương án đầu tư, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần theo hình thức đầu tư, cụ thể: Đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT đối với 8 dự án thành phần gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai); đầu tư theo hình thức đầu tư công đối với 3 dự án thành phần, gồm: Đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) và Cầu Mỹ Thuận 2. Sơ bộ, tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án và cho rằng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đối với phương án đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc thực hiện Dự án có quy mô rất lớn theo một hình thức đầu tư, trong điều kiện vốn đầu tư công còn hạn chế là không khả thi. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần, khi có dự án chiều dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác. Mặt khác, các dự án thành phần yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của Dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ.

Về nguồn vốn Nhà nước và phương án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đề nghị bố trí 55.000 tỷ đồng cho Dự án này và 15.000 tỷ đồng còn lại sẽ trình Quốc hội phân bổ cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần làm rõ tiêu chí lựa chọn các dự án sử dụng 15.000 tỷ đồng và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, đáp ứng tiêu chí vốn phân bổ cho dự án quan trọng quốc gia.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu phân bổ 70.000 tỷ đồng cho toàn bộ Dự án để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Trường hợp chỉ sử dụng 55.000 tỷ đồng cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, có ý kiến cho rằng, cần bố trí 15.000 tỷ đồng này cho dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Các dự án giao thông quan trọng, cấp bách theo đề nghị của Chính phủ sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng nguồn vốn dự phòng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Về phương án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho Dự án, dự kiến khoảng 63.716 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài trong điều kiện hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế cung cấp các bảo lãnh và việc huy động vốn vay vẫn chủ yếu từ các tổ chức tín dụng trong nước, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro nên cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ nội dung trên; đồng thời nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm giảm áp lực đầu tư công, hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại đầu tư, huy động nguồn lực đột phá để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

Phan Phương (TTXVN)
Thủ tướng: Tiếp thu, khắc phục ngay những bất cập mà đại biểu Quốc hội nêu
Thủ tướng: Tiếp thu, khắc phục ngay những bất cập mà đại biểu Quốc hội nêu

Phiên họp thường kỳ Tháng 10 của Chính phủ đã khai mạc sáng 3/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN