Buổi sáng
Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu Quốc hội phát biểu, 1 đại biểu Quốc hội tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: bố cục của dự thảo Luật; phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; các hành vi bị nghiêm cấm; các trường hợp thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ; giám định vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự; nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng; các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; khai báo vũ khí thô sơ; nguyên tắc, thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; thời điểm thông qua Luật…
Kết thúc thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ thay mặt Ban soạn thảo phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều
Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Tại phiên thảo luận có 11 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp, khắc phục những thiếu sót của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác cảnh vệ. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi sửa đổi, bố cục của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp Hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật; đối tượng cảnh vệ (bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ); bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ; việc bổ sung một số nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ; chế độ và biện pháp đối với đối tượng cảnh vệ; tổ chức của lực lượng cảnh vệ; chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; việc bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ; Giấy bảo vệ đặc biệt; về quy định giao Chính phủ quy định chi tiết chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và công tác cảnh vệ; kỹ thuật soạn thảo văn bản; thời điểm thông qua Luật, hiệu lực thi hành của Luật...