Hội nghị có sự tham dự của các nhà lãnh đạo ASEAN và EU; các bộ, ngành; doanh nghiệp các nước ASEAN và EU. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu mang các thông điệp của Việt Nam tới cộng đồng kinh doanh ASEAN và EU.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh các nền kinh tế ASEAN đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, năm 2021 và 2022 đang chứng kiến những bước phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong trao đổi thương mại hai chiều giữa EU với ASEAN. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 269 tỷ USD năm 2021, tăng 18,6% so với năm 2020 và tăng 16,7% so với năm 2017. Đồng thời, EU cũng đứng thứ 2 về tổng vốn đầu tư trực tiếp vào ASEAN trong năm 2021, đạt khoảng 26,5 tỷ USD, tăng 42,9% so với năm 2020. Các kết quả này đặc biệt đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế, giao thương và chuỗi cung ứng trong các khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có.
Hội nghị đánh giá cao tiềm năng to lớn của thị trường ASEAN và cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai khối trong thời gian tới. Khu vực ASEAN với dân số hơn 0 triệu người là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới hiện nay. Trong khi đó, EU là một khu vực tiên phong đề ra những chiến lược về phát triển bền vững và triển khai mạnh mẽ những chính sách giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường một cách toàn diện và công bằng. Do đó, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của EU như thương mại – đầu tư, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là phù hợp với nhu cầu của các nước trong khu vực ASEAN.
Các đại biểu nhấn mạnh ưu tiên đẩy mạnh phục hồi kinh tế dựa trên phát triển bền vững, giao thương thông thoáng và bảo đảm các chuỗi cung ứng thông suốt, mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa và dịch vụ, tăng cường hội nhập, khắc phục chuỗi cung ứng bị đứt gãy, góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do, công bằng và bao trùm, mở rộng hợp tác chuyển đổi số, bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh cần cách tiếp cận mới trong phát triển, đặc biệt là trong khai thác các tài nguyên số. Ông cũng cho rằng phát triển kinh tế trong giai đoạn mới cần hết sức quan tâm vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, khi "ngay cả rác thải cũng có thể trở thành tài nguyên". Nhắc tới quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng mà các nước phát triển và Việt Nam sẽ tuyên bố trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông cho rằng các bên đang đi đúng hướng trong quá trình ứng phó biến đổi khí hậu.
Về phần mình, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 5 thông điệp quan trọng. Trong đó, Thủ tướng kêu gọi tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các nước. Thủ tướng cho rằng các đại biểu có thể tham dự hội nghị một cách an toàn và yên ổn là nhờ sự chung tay, đoàn kết quốc tế để kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.
Tình hình hiện nay cũng có nhiều vấn đề mang tính toàn cầu mà không một nước nào có thể đứng ngoài cuộc hay có thể xử lý một mình. "ASEAN và các đối tác chiếm gần một nửa dân số và 2/3 GDP toàn cầu. Trong đó, ASEAN và EU có diện tích tương đối lớn với dân số gần một tỷ người, chúng ta cần đoàn kết, cùng suy nghĩ, hành động, cùng hướng tới tương lai", Thủ tướng phát biểu. Các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối, các nhà nước cần hài hòa hóa các quy định trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng tập trung phân tích về vấn đề biến đổi khí hậu. Theo ông, các nền kinh tế sau khi bị bào mòn bởi dịch bệnh COVID-19 lại tiếp tục đối mặt nhiều vấn đề như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, lương thực… và biến đổi khí hậu. Thủ tướng cho rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên phải cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đồng thời biến đổi khí hậu tác động tới mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp phải tích cực tham gia các chính sách này.
Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phải có nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, quản lý xanh, nhân lực xanh. Nhà nước phải thiết lập thể chế phù hợp, hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững. Các nước phát triển phải giúp đỡ các nước đang phát triển về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị và thể chế, bảo đảm công bằng, công lý với các nước nghèo, các nước đang phát triển nhưng phải gánh vác trách nhiệm như các nước phát triển trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, quan hệ thương mại giữa EU và ASEAN ngày càng phát triển toàn diện về quy mô, phạm vi và tính chất nên các nước phải hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý, tạo nền tảng, điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp tiếp tục phát huy năng lực, sáng tạo, trách nhiệm, kết nối mạnh mẽ hơn, phát huy các thành quả đã đạt được.
Các nhà nước phải tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình này với việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế 2 lần, thông quan hàng hóa nhanh chóng. Thủ tướng lấy ví dụ Việt Nam và EU đã thực thi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và các nước EU đang tiếp tục thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).
Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp phải tập trung vào một số lĩnh vực: Kinh tế số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; an ninh lương thực; an ninh năng lượng; an ninh mạng. Trong đó, Thủ tướng cho rằng một xu thế quan trọng hiện nay là phát triển điện gió, điện mặt trời, những nguồn năng lượng không bị mất đi dù chiến tranh có xảy ra hay cạnh tranh chiến lược gay gắt. Đồng thời, các doanh nghiệp phải tham gia bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm những người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau; đề cao văn hóa, đạo đức kinh doanh.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Là đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhất quán quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, "không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải". Việt Nam nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực (như vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá.
*Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng các nhà lãnh đạo tham dự phiên ăn trưa làm việc do Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN tổ chức.
Tại đây, Thủ tướng đánh giá trao đổi thương mại 2 chiều giữa ASEAN và EU gần đây đã có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại. Điều này cho thấy thúc đẩy hội nhập kinh tế trong các khu vực và giữa các khu vực với nhau vẫn là xu thế tất yếu, khách quan.
"Với cái nhìn đa chiều, điều này cho thấy bên cạnh những tác động tiêu cực từ tình hình, chúng ta cũng nhìn thấy những cơ hội, các bên càng áp lực càng nỗ lực và có động lực đổi mới sáng tạo, chuyển từ trạng thái hợp tác trước đây sang trạng thái hợp tác mới dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, thích ứng tình hình, phát triển kinh tế bảo đảm hài hòa, bền vững và toàn diện thời gian tới", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cho biết, cùng với Singapore, Việt Nam là một trong 2 quốc gia ASEAN đã có hiệp định FTA với EU và sau hơn 2 năm thực hiện FTA này, bất chấp tác động của đại dịch, kim ngạch thương mại 2 chiều đã tăng lên tới 12%. Điều này chứng tỏ việc ký kết FTA, hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy giao thương cũng là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan.
Thủ tướng đánh giá còn nhiều dư địa để mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại ASEAN – EU. Thủ tướng mong muốn cuộc gặp gỡ sẽ kích hoạt nhiều hoạt động kết nối cộng đồng doanh nghiệp 2 khối, tạo nền tảng cho tăng trưởng hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai bên theo định hướng mới, nhằm mục tiêu hài hòa lợi ích và phát triển bền vững, nhất là vào các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh thông tin, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng…, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, cho mỗi nước và các khu vực.