Sáng 27/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 74 điều với nhiều điểm mới ở các nội dung quy định chung. Trong đó, ở nội dung thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, dự thảo Luật có các điểm mới là: Bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục cán bộ, công chức, viên chức kiểm tra và giám sát; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Dự thảo Luật cũng quy định một chương riêng là chương IV về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra, nhấn mạnh, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”.
Để có cơ sở đầy đủ cho Quốc hội xem xét, thảo luận về dự án Luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu có báo cáo bổ sung hoặc chuẩn bị giải trình cụ thể, thuyết phục về một số nội dung. Trong đó, tổng kết, đánh giá đầy đủ, cụ thể hơn việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị của Đảng, các cơ quan của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; bổ sung các giải pháp về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các quy định cụ thể của dự thảo Luật...
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Nhiều đại biểu bày tỏ ủng hộ quy định mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Việc thêm đối tượng, thêm lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ hoạt động và cống hiến.
Về hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đồng tình cao về việc bổ sung, tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của dân tộc ta đối với lực lượng thanh niên xung phong đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và có nghĩa giáo dục rất sâu sắc.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự án Luật thể hiện rất rõ 4 chính sách: Hoàn thiện về hệ thống thi đua; hệ thống khen thưởng; về chế định, thẩm quyền phân cấp; hoàn thiện những quy định về cải cách hành chính cũng như về hồ sơ thi đua, khen thưởng.
Bộ trưởng Nội vụ mong muốn đại biểu Quốc hội đồng tình ủng hộ phương án khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, với lý giải "khi đã là một hình thức khen thưởng Nhà nước cần phải cao hơn so với hình thức Kỷ niệm chương do Trung ương Đoàn Thanh niên tặng Lực lượng Thanh niên xung phong".
*Trong phiên làm việc chiều 17/5, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Dự thảo Luật tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết: Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật và phạm vi sửa đổi của dự án Luật.
Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình, quan tâm các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng, miền, dân tộc; nghiên cứu bổ sung quy định để cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở của Công an cấp xã.
Trong phiên làm việc chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý rất kỹ; đáp ứng được các yêu cầu đề ra khi sửa đổi theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp, thúc đẩy tính minh bạch và phát triển lành mạnh của thị trường.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho rằng, các quy định về nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa đạt được mục tiêu tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đại biểu đề nghị đối với nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cần được quy định rõ trong Luật nhằm đảm bảo tính minh bạch, thống nhất tương tự như quy định của Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng.
Tại Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần sửa theo hướng là cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ỳ bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà không có lý do hợp pháp.