Đắk Lắk: Người dân lo ngại sau vụ hàng tấn giá đỗ có hóa chất độc hại bị bắt

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, đặc biệt là các loại rau, củ, giá đỗ, do đặc tính dễ chế biến và được ưa chuộng trong bữa ăn gia đình.

Chú thích ảnh
Các đối tượng bị khởi tố và bắt tạm giam liên quan đến việc ngâm hoạt chất cấm để sản xuất giá đỗ. Ảnh: TTXVN phát

Mới đây, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện và thu giữ hơn 20,3 tấn giá đỗ ngâm chất cấm; khởi tố 4 đối tượng liên quan. Điều này, gây lo ngại sâu sắc về vấn đề mất an toàn thực phẩm, nhất là trong giai đoạn cao điểm dịp Tết Nguyên đán.

Vào 19 giờ tối 26/12, tại chợ đầu mối Tân Hòa (phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột) - nơi cung cấp rau củ quả và thủy hải sản lớn nhất tỉnh Đắk Lắk nhộn nhịp người mua bán. Theo quan sát của phóng viên, trong chợ có 4 điểm bán giá đỗ bỏ sỉ.

Bà Hà Thị Nụ, một tiểu thương tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước đây mỗi ngày bà thường lấy 20 - 30kg giá đỗ để bỏ cho các cửa hàng bán bún quanh khu vực. Khi nghe thông tin giá đỗ bị ngâm chất cấm, bà rất hoang mang và cho biết phải nhập giá tại các mối vườn để đảm bảo.

Thông tin về việc giá đỗ ngâm chất cấm ở Đắk Lắk không chỉ khiến người tiêu dùng mà cả tiểu thương, chủ quán ăn lo lắng. Một chủ quán bún tại phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, có thời điểm chị đi tìm khắp các chợ mua giá đỗ để bán nhưng không có. Khi hỏi thăm, mọi người bảo rằng giá đỗ bị bắt vì mất an toàn thực phẩm. Chị mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý tình trạng trên. Một chủ điểm bán giá đỗ tại chợ đầu mối Tân Hòa cho biết, vụ giá đỗ ngâm chất cấm vừa qua đã ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của chị. Trước đây, mỗi ngày chị bán hơn một tạ giá đỗ, thì nay lượng tiêu thụ giảm đáng kể.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vương Minh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, mặt hàng giá đỗ thường sử dụng trong ngày nên rất khó kiểm tra, kiểm soát khi các cơ sở, đối tượng xấu lợi dụng điểm này. Qua sự việc, Cục sẽ phối hợp với các sở, ngành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là nguồn gốc, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Cục tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như rượu, bia, đường, sữa, lương thực, thực phẩm... đưa vào trong các quầy hàng, siêu thị để phục vụ dịp Tết

Phóng viên đã liên hệ với các cơ quan liên quan như Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nhưng chưa nhận được câu trả lời. 

Trước đó, phóng viên TTXVN đã đưa tin, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã triệt phá 6 cơ sở của 4 đối tượng sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ bán ra thị trường. Ngoài sử dụng vôi cục, nước giếng để sản xuất, các đối tượng sử dụng thêm hoạt chất 6-Benzylaminopurine (không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam). Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, thu giữ 20.357 kg giá đỗ đã ngâm hoạt chất; 37 can nhựa với 135 lít hoạt chất cấm trên. Trong năm 2024, nhóm đối tượng đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm hoạt chất trên.

Nguyên Dung (TTXVN)
Bắt nhóm đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả
Bắt nhóm đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả

Ngày 27/12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa) thông tin, đơn vị đã phối hợp với Công an thành phố Sầm Sơn phá chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ Nguyễn Hữu Nam (sinh năm 2000, ở phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) và Triệu Y Tám (sinh năm 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN