Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho đối tượng buôn lậu các loại hàng hóa và gian lận thương mại ở một số nơi trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp.
Theo Ban Chỉ đạo 9 tỉnh Kiên Giang, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tập trung vào các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như thuốc lá, thuốc lá thế hệ mới, xăng dầu, vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu khác. Từ đầu năm 2024 đến ngày 31/7, các lực lượng đã tích cực, quyết liệt đấu tranh, ngăn ngừa vi phạm, phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu và hơn 400 vụ gian lận thương mại.
Ông Lê Khánh Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 9 tỉnh Kiên Giang cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ; gian lận về đo lường, chất lượng hàng hóa, vi phạm về kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, vi phạm các quy định về ghi nhãn, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra.
Ông Lê Khánh Hưng cho biết, trong thời gian tới tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cơ sở, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đồng thời vận động người dân tham gia tố giác tội phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên làm tốt việc kiểm tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
“Cùng với đó, tỉnh tăng cường các lực lượng chức năng cho các địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân trong chấp hành các quy định của pháp luật, không tiếp tay cho các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hoá qua biên giới, tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số”, ông Lê Khánh Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo Ban Chỉ đạo 9 tỉnh Kiên Giang, các vụ buôn lậu xảy ra trên địa bàn tỉnh chủ yếu trên biển và đường biên giới giáp ranh Campuchia thuộc địa bàn thành phố Hà Tiên và huyện Giang Thành. Xác định đây là những khu vực, địa bàn trọng điểm về buôn lậu, các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh, phòng chống. Đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng biên nâng cao cảnh giác, phát hiện và tham gia tố giác các đối tượng vi phạm.
Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) cho biết, trong những năm qua đơn vị phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như Hội Liên hiệp phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc và UBND các xã, phường làm tốt việc vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh biên giới và phòng chống buôn lậu trên địa bàn.
Cùng với đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội chăm lo cho các hộ đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, hỗ trợ vốn, gạo hàng tháng để giúp bà con ổn định cuộc sống. Qua đó, hạn chế tình trạng vi phạm trong các gia đình vì hoàn cảnh khó khăn tiếp tay hoặc tham gia buôn lậu.
“Đường biên giới Hà Tiên có nhiều đường mòn, lối mở nên tình hình buôn lậu lâu nay luôn diễn biến phức tạp. Nhất là tình hình buôn lậu thuốc lá, đường và một số mặt hàng thiết yếu khác. Hành vi của các đối tượng ngày càng tinh vi và chúng thường tranh thủ những lúc, những nơi vắng bóng lực lượng để vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, bên cạnh quyết tâm của các lực lượng chức năng, chúng tôi luôn chú trọng đến công tác vận động quần chúng tham gia đấu tranh phòng chống buôn lậu”, Thượng tá Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.
Chị Ngông Liếm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên cho biết, những năm gần đây thông tin tố giác tội phạm về buôn lậu được các thành viên Tổ phụ nữ tham gia phòng chống buôn lậu trên địa bàn cung cấp cho lực lượng chức năng ngày càng nhiều và tất cả các thông tin đều có giá trị giúp cho lực lượng Công an, Biên phòng triển khai các biện pháp đấu tranh ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả. Trung bình hàng năm, các tổ, câu lạc bộ tham gia bảo vệ đường biên cột móc, phòng chống buôn lậu của phường Mỹ Đức phát hiện và tham gia tố giác, cung cấp thông tin trên dưới 20 vụ liên quan đến vi phạm an ninh biên giới và buôn lậu.
Theo Đại tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, những năm gần đây, giá xăng dầu của các quốc gia giáp ranh với Việt Nam có chênh lệch khá cao so với trong nước nên tình hình buôn lậu xăng dầu lậu trên biển diễn biến khá phức tạp. Trong năm 2023 và 7 tháng năm 2024, các lực lượng đã phát hiện và xử lý hàng chục đối tượng vi phạm với hơn 500.000 lít dầu Diesel không rõ nguồn gốc.
“Dự báo trong thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại nói chung, xăng dầu nói riêng ở khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tiếp tục nắm chắc tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biên giới; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Hải quan, Cảnh sát biển và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật”, Đại tá Doãn Đình Tránh cho biết.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang, trong 7 tháng năm 2024, lực lượng của đơn vị đã tiến hành kiểm tra 634 vụ, qua đó phát hiện 147 vụ vi phạm, xử lý 198 vụ vi phạm hành chính, chuyển xử lý hình sự 1 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 8 tỷ đồng. Trong số đó, chủ yếu các vụ vi phạm vụ về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đo lường, chất lượng. Các vụ vi phạm này tập trung ở các mặt hàng: mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, thuốc lá, đường, thuốc thủy sản, thức ăn chăn nuôi.