Trong 5 năm dưới triều đại của HLV Park Hang-seo, chỉ có 2 tiền đạo mà ông đặt sự tin tưởng tuyệt đối là Nguyễn Anh Đức và Nguyễn Tiến Linh, đều chơi cho B.Bình Dương. Cả 2 đều sở hữu những tố chất của một trung phong vùng cấm, đó là ghi bàn đa dạng và khả năng "đánh hơi" bàn thắng. Điều quan trọng hơn nữa, họ là "hàng hiếm" của bóng đá Việt Nam, một nền bóng đá yêu thích tấn công, ham mê chiến thắng nhưng luôn… thiếu tiền đạo giỏi.
Cứ xem danh sách của U23 Việt Nam được ông Troussier đưa sang Qatar thì biết, chỉ có 3 người nhưng có đến 2 cầu thủ là thành viên của U20 và chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu V-League. Nguyễn Quốc Việt là tiền đạo có tiềm năng, nhưng cũng chưa thể đánh giá được sự phát triển của cầu thủ này, khi anh cũng chỉ mới tỏa sáng trong màu áo U21 và xét về hình thể, cũng không có nhiều ưu điểm.
Riêng với trường hợp của Nguyễn Văn Trường, một tiền vệ có khả năng xâm nhập vùng cấm tốt, "đánh hơi" bàn thắng rất giỏi nhưng từ hồi U23 năm ngoái, cầu thủ này lộ ra điểm yếu là không có nhiều kỹ năng của một chân sút biết chớp thời cơ. Có những pha bóng mà Văn Trường chọn vị trí gần như hoàn hảo, đến lúc sút thì lại không chuẩn xác.
Như vậy, chỉ cần xem qua danh sách, cũng thấy HLV Troussier đang gặp đúng vấn đề mà người tiền nhiệm vốn đau đầu. Bóng đá Việt Nam ngày càng không có khả năng sản sinh ra tiền đạo cắm. Người ta không biết vì ngoại binh nhiều quá nên chân sút nội bị "mất đất" hay vì không có tiền đạo nội nên các CLB mới phải mua ngoại binh. Tuy nhiên, cứ nhìn thành tích ghi bàn ở AFF Cup lẫn SEA Games thì sẽ biết là vấn đề ghi bàn đã trở thành "ca quá khó".
Tất nhiên là việc có một trung phong cắm xuất sắc không phải muốn là được. Đấy là một dạng tài năng, thi thoảng mới xuất hiện. Ở AFF Cup 2022, "lão tướng" Dangda cũng nhận nhiệm vụ ghi bàn cho Thái Lan và sau đó, anh cũng lập kỷ lục về số bàn thắng nhiều nhất trong lịch sử giải đấu. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu không sản sinh ra tiền đạo, thì vẫn phải xây dựng được những vị trí có khả năng ghi bàn chứ không thể đổ lỗi là thiếu tiền đạo nên không thể đánh bại đối phương.
Rất tiếc là ở Việt Nam, số cầu thủ giỏi trên hàng công luôn có xu hướng ngày càng giảm so với những vị trí bên dưới. Ví dụ như dưới thời HLV Park Hang Seo, ông có thể xếp được 3 cặp trung vệ khác nhau, không khó để có những tiền vệ trung tâm tốt, nhưng lại bất lực trong việc làm mới các vị trí trên hàng công, bao gồm người sáng tạo và cả các cầu thủ đá cánh.
Không phải tự nhiên mà nhà cầm quân người Hàn Quốc vẫn dành nhiều chỗ cho nhóm cầu thủ HAGL, hoặc mạo hiểm với trường hợp của Quang Hải tại AFF Cup vừa qua. Có thể nói, ông có quá ít sự chọn lựa.
Đó là hệ quả của V-League, nơi dường như quá chậm trong việc tiếp cận với các trường phái bóng đá hiện đại. Lối chơi chung của các CLB V-League vẫn chủ yếu dựa trên sức càn lướt và khả năng hoạt động độc lập của các cầu thủ ngoại. Đội nào sở hữu được ngoại binh tốt, thì có thành tích cao và ngược lại. Cả V-League chỉ có một Hà Nội FC là chủ động chơi áp đặt dựa trên các khối đội hình dâng cao và có sự tham gia của các trung vệ, hậu vệ biên.
Nói như vậy để thấy, muốn có một đội tuyển quốc gia giỏi chơi áp đặt thì cần có một giải vô địch thấm đẫm ý tưởng tấn công. Một giải vô địch càng có nhiều đội chơi tấn công, thì đương nhiên sẽ có nhiều cầu thủ biết cách ghi bàn, kể cả khi họ không phải là tiền đạo. Càng quen với việc ở gần cầu môn đối phương, thì mới hoàn thiện được kỹ năng đưa bóng vào lưới hoặc chọn vị trí thuận lợi. Nhưng thực tế là ở Việt Nam, phần lớn công việc đó đều "khoán" cho ngoại binh, phần lớn các đường chuyền đều là những quả phất dài vượt tuyến.
Trước khi lên đường sang Qatar, ông Troussier bổ sung nhiều vị trí từ đội U20 và không có gì bất ngờ, số cầu thủ này đều nằm trên hàng công. Trong 11 cái tên bị loại ở đợt tập trung lần này, cũng phần lớn là những người dự kiến để xây dựng các vị trí tấn công. Như vậy, bài toán ghi bàn chắc chắn sẽ còn làm khó ông Troussier trong thời gian tới nếu như ông đang tính đến chuyện thay đổi phong thái chơi bóng của các đội tuyển.