Trên địa bàn huyện Krông Nô hiện có khoảng 350 hộ dân sinh sống tại các thôn Lương Sơn, xã Nam Xuân; bon Đắk Prí, xã Nâm N’Đir bị thiếu hụt nước sinh hoạt. Tại huyện Tuy Đức, khoảng 150 hộ dân tại bản Si Át, xã Đắk Ngo cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nguyên nhân là các địa phương này chưa có công trình cấp nước sạch; còn nguồn nước từ giếng khoan, giếng đào của người dân cũng đã sụt giảm, cạn kiệt.
Toàn tỉnh có 4 công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Đắk Nông quản lý bị hụt nước do nước mặt, nước ngầm sụt giảm. Trong 59 công trình cấp nước sạch nông thôn do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông quản lý, có 16 công trình có nguồn cung cấp nước đầu vào bị sụt giảm, ảnh hưởng tới việc cấp nước ổn định cho người dân.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có gần 10.500 ha cây ngắn ngày và 185.000 ha cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có nhu cầu nước tưới. Do ảnh hưởng của hạn hán, nắng nóng kéo dài, đến nay có gần 11.000 ha cây trồng rơi vào tình trạng thiếu nước tưới, khả năng cao sẽ giảm năng suất trong niên vụ 2024. Đáng chú ý, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài tới giữa tháng 5 tới, sẽ có hơn 28.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng.
Ngành nông nghiệp Đắk Nông đang phối hợp với các địa phương tổ chức các phương án điều tiết nguồn nước để cung ứng kịp thời cho người dân; chính quyền các địa phương cũng tổ chức, hỗ trợ người dân nạo vét kênh mương, dẫn dòng để tận dụng nước khi dòng chảy sụt giảm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo các bộ, ngành liên quan xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng mới 10 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí gần 470 tỷ đồng. Các công trình này dự kiến sẽ đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho gần 3.400 ha cây trồng tại các khu vực lân cận.