Cụ thể, theo Báo cáo số 223/BC-UBND ngày 28/6/2024, dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên qua ra khỏi trung tâm thành phố là một trong những dự án quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội và an ninh – quốc phòng của thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực đầu tư dành cho ngành đường sắt còn khó khăn, cùng với việc Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư mạng lưới tuyến đường bộ cao tốc nên dẫn đến kéo dài thời gian di dời ga đường sắt Đà Nẵng đến vị trí mới theo quy hoạch (chỉ xem xét nghiên cứu đầu tư sau năm 2030).
Trong khi chờ Trung ương triển khai theo quy hoạch, UBND thành phố Đà Nẵng đã lựa chọn đơn vị tư vấn, nghiên cứu, lập hồ sơ phương án di dời ra đường sắt, báo cáo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đã thông qua phương án: toàn bộ phần hàng hóa, công trình phụ trợ và các cơ quan ngành đường sắt của ga Đà Nẵng sẽ dời ra ga Kim Liên, phần hành khách ga Đà Nẵng sẽ dời ra khu vực hồ Trung Nghĩa.
Hiện thành phố Đà Nẵng đang lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan, dự kiến tháng 10/2024 sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 và đến tháng 10/2025 sẽ hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi…
UBND thành phố Đà Nẵng cũng kiến nghị HĐND thành phố cho phép tách dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng thành 2 dự án: dự án Di dời ga hàng hóa, công trình phụ trợ, các cơ quan ngành đường sắt, ga hành khách và dự án Đầu tư xây dựng ga mới theo quy hoạch; trong đó, dự án Đầu tư xây dựng ga mới theo quy hoạch sẽ được thực hiện sau và do Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực hiện.
Cũng theo Báo cáo, công trình qua sông Hàn kết nối từ khu vực đường Đống Đa – Trần Phú (quận Hải Châu) sang đường Vân Đồn – Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà), hay còn gọi là hầm qua sông Hàn nằm trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hiện Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng phối hợp các đơn vị tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; dự kiến hoàn thành trình cấp có thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong tháng 12/2024. UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị HĐND thành phố thống nhất chủ trương bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án công trình vượt sông Hàn trong Kế hoạch vốn công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch vốn năm 2024 làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Đối với công trình Hầm qua sân bay Đà Nẵng cũng được UBDN thành phố Đà Nẵng đề xuất bố trí vốn năm 2024 đế thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư làm cơ sở triển khai thực hiện. Sau 3 tháng kể từ ngày được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng sẽ lựa chọn Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (dự kiến tháng 9/2024); dự kiến hoàn thành trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong quý I/2025 và hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý III/2025.
Ngoài ra, dự án Cao tốc Hòa Liên – Túy Loan có tổng chiều dài 11,5 km, tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 951 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải đã tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng do UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện. Chủ đầu tư Tiểu dự án Giải phóng mặt bằng là Ban quản lý các dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng.
Đến nay, tại Tiểu dự án Giải phóng mặt bằng đã kiểm đếm 1.207/1,216 hồ sơ, kiểm đếm 2,758 mồ mả; đã chi trả và bàn giao mặt bằng 832 hồ sơ, bàn giao 2.450 mồ mả. Thành phố Đà Nẵng cũng đã bàn giao cho dự án trên tuyến chính là 8,32 km/11,5 km (đạt 72,3%) và 2 tuyến đường gom là 13 km/20 km (đạt 65%).
Đối với việc bố trí tái định cư, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết dự kiến bàn giao đất thực tế để bố trí tái định cư đợt 1 trong tháng 5/2025, bàn giao từng đợt theo tiến độ bố trí đất tái định cư và hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.