Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, ngày 28/2/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh xây dựng và triển khai Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH về xây dựng mô hình 'Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông', trong đó, lựa chọn, xây dựng mô hình thí điểm tại Trường THPT Hàn Thuyên, thành phố Bắc Ninh.
Trường THPT Hàn Thuyên chủ động ban hành kế hoạch, khảo sát, phân công, gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ, bộ phận triển khai xây dựng mô hình một cách hiệu quả, thiết thực. Đến nay, với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nhà trường hoàn thành các tiêu chí của 'Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông'.
Cụ thể, các nhà xe được sơn, kẻ vẽ, phân chia khu vực để xe theo khối, lớp đảm bảo gọn gàng, khoa học; trang bị hệ thống camera giám sát, bình chữa cháy, tiêu lệnh phòng cháy, chữa cháy, hệ thống loa và tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong giờ học sinh gửi xe, lấy xe; treo pano, áp phích, biển bảng tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông… Đặc biệt, trên mỗi xe được dán logo ghi thông tin họ tên học sinh, trường, lớp nhằm phục vụ công tác quản lý, kiểm soát các phương tiện.
Bà Đặng Thị Bích Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên phân tích: Học sinh ở độ tuổi từ 15 - 18 bắt đầu có khả năng tham gia giao thông bằng các phương tiện cá nhân như xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, mô tô. Việc tổ chức, quản lý phương tiện giao thông của học sinh trong nhà trường rất phức tạp, bởi các em thường thiếu kinh nghiệm lái xe, nhận thức về pháp luật an toàn giao thông còn hạn chế. Điều này có thể dẫn đến các hành vi không an toàn khi tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không đúng cách, sử dụng điện thoại và thậm chí không tuân thủ quy tắc giao thông cơ bản...
Do vậy, việc triển khai mô hình 'Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông' là rất cần thiết, tạo ra môi trường an toàn cho học sinh và thuận tiện cho việc quản lý phương tiện giao thông trong nhà trường.
Thực tế, sau hơn một tháng triển khai thí điểm, ý thức, nền nếp tham gia giao thông của học sinh có sự chuyển biến mạnh mẽ. Việc chấp hành pháp luật về giao thông từ nhà đến trường và từ trường về nhà của các em có nhiều tiến bộ. Học sinh để xe gọn gàng, theo từng khối, lớp.
Em Nguyễn Phạm Phương Uyên, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Hàn Thuyên cho biết, từ khi triển khai mô hình, khu vực để xe của nhà trường không còn lộn xộn, học sinh tự giác để xe vào đúng vị trí, thứ tự của lớp mình. Nhờ đó, việc cất xe, lấy xe nhanh hơn, bởi có sự sắp xếp khoa học. Cũng nhờ mô hình này, học sinh không còn lo bị mất xe như trước nữa.
Em Nghiêm Minh Sơn, học sinh lớp 11A12, Trường THPT Hàn Thuyên cũng chia sẻ, từ khi nhà trường được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình 'Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông', khu nhà xe của học sinh trở nên ngăn nắp, khoa học hơn. Mỗi buổi sáng, tổ thường trực về an toàn giao thông của trường luôn có mặt nhắc nhở, hỗ trợ học sinh xếp xe đúng vị trí, đúng quy định.
"Với mô hình này, nhà trường xây dựng mái che, lắp đặt hệ thống loa truyền thanh và camera giám sát an ninh, bình chữa cháy cho toàn bộ nhà xe. Cùng với đó là các pano, áp phích, bảng nội quy, tuyên truyền được bố trí bắt mắt giúp học sinh nắm bắt về những quy tắc an toàn khi tham gia giao thông và văn hóa giao thông. Em mong mô hình này được nhân rộng, để mỗi ngày chúng em đến trường là một ngày vui, một ngày bình yên khi tham gia giao thông", em Sơn nói.
Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh Bắc Ninh triển khai mô hình 'Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông' qua 3 giai đoạn. Cụ thể, từ ngày 1 - 30/3, triển khai thí điểm tại Trường THPT Hàn Thuyên; từ ngày 25/3 - 10/5, mỗi địa phương cấp huyện ở mỗi cấp học lựa chọn một trường để thí điểm; từ ngày 10/5 - 10/11, triển khai nhân rộng đến 100% cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, việc xây dựng mô hình nhằm hướng tới góp phần xây dựng văn hóa giao thông của người Bắc Ninh - Kinh Bắc từ lứa tuổi học sinh và bền vững trong nhiều thế hệ; đảm bảo triển khai mô hình khẩn trương, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp tình hình thực tiễn tại từng cơ sở giáo dục.
Thời gian tới, Sở xem xét trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục chưa chỉ đạo triển khai nghiêm túc Kế hoạch 'Xây dựng tỉnh an toàn giao thông' và Kế hoạch 'Xây dựng nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông'; đồng thời, xem xét đánh giá thi đua cuối năm đối với các cơ sở giáo dục có số lượng học sinh vi phạm cao.
Còn Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, khẳng định, việc xây dựng mô hình 'Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông' nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, văn hóa giao thông; quản lý, kiểm soát chặt chẽ điều kiện về phương tiện, độ tuổi điều khiển, việc chấp hành pháp luật đối với nhóm học sinh, sinh viên tự đi xe đến trường. Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu đánh giá hiệu quả mô hình để triển khai tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
Bắc Ninh hiện là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng 'Tỉnh an toàn giao thông'. Mô hình 'Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông' được nhân rộng, góp phần đưa Bắc Ninh sớm hoàn thành mục tiêu này.