Các vi phạm chủ yếu bị phát hiện là: Kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh thực phẩm tươi sống bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị, vi phạm các điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vệ sinh môi trường không đảm bảo...
Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đoàn thanh, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm đồng thời kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại chỗ, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật.
Cùng với việc thanh, kiểm tra, cơ quan chuyên môn cũng tổ chức lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm OCOP tại các chủ thể, sản phẩm nông sản tại các chợ, vùng sản xuất tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Năm 2024, cơ quan giám sát về an toàn thực phẩm của tỉnh đã lấy 173 mẫu thực phẩm để kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, trong đó có 92 mẫu chè, 17 mẫu rau, 20 mẫu quả...
Kết quả kiểm nghiệm, 172/173 mẫu đều có kết quả đạt yêu cầu theo quy định, các mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được kiểm tra, giám sát năm 2024 không vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án phát triển sản xuất thực phẩm theo hướng nâng cao chất lượng an toàn. Điển hình như Sở Nông nghiệp và phta triển nông thôn tiến hành mở rộng các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực, mở rộng diện tích chứng nhận VietGAP, hữu cơ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 6.700 ha cây trồng và 179 trang trại, cơ sở chăn nuôi đã được cấp chứng nhận VietGAP. Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản đã cấp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 60 cơ sở với 61 chuỗi gồm: 47 chuỗi sản xuất chè, 5 chuỗi sản xuất rau, 5 chuỗi sản xuất thịt lợn, 3 chuỗi sản xuất thịt gà và 1 chuỗi chế biến giò chả...
Ông Đặng Ngọc Huy, Phó trưởng Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: Điểm nổi bật trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn trong năm qua đó là công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giám sát chất lượng sản phẩm, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được tăng cường, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về thực phẩm an toàn được nâng lên rõ rệt.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã hướng dẫn, nhắc nhở, giúp các cơ sở hoàn thiện các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm răn đe góp phần tạo môi trường bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp, cơ sở trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong tỉnh, từng bước thay đổi nhận thức của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.
Công tác kiểm soát, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm được tiến hành chủ động và thường xuyên, có kế hoạch cụ thể. Nhờ vậy, trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra...
Năm 2025, tỉnh Thái Nguyên xây dựng, triển khai thực hiện tốt kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân năm 2025, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn, triển khai hoạt động kiểm soát, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn.