Theo ông Hoàng Đức Thanh, bên cạnh thế mạnh công nghệ, vùng phủ sóng, Viettel đã gặp một số khó khăn khi triển khai 5G ở Việt Nam, đó là chi phí đầu tư cho 5G rất lớn, gấp 4 - 5 lần so với 4G hiện tại và cần nhiều thời gian để triển khai.
“Với 5G, chúng ta phải sử dụng nhiều công nghệ hơn, đơn giá trạm 5G đang cao hơn rất nhiều. Về mặt kích thước và khối lượng thiết bị cần nhiều ăngten hơn, chi phí điện trên một trạm cao hơn. Do vậy, Viettel phải cải tạo cột, cải tạo điện 3 pha thì mới đưa được trạm 5G lên”, ông Hoàng Đức Thanh cho biết.
“Sau khi phủ sóng 5G, Viettel cũng gặp một số tình trạng khách hàng có đầu cuối chuẩn, điện thoại thông minh nhưng không dùng được công nghệ 5G. Đó là những thiết bị đầu cuối mua từ cửa hàng xách tay ở Hàn Quốc, Mỹ nhưng bị khóa công nghệ, về Việt Nam không hỗ trợ 5G ở Việt Nam. Vì thế, khách hàng có đầu cuối rất đắt tiền nhưng cũng không dùng được 5G. Khoảng 500.000 đến 600.000 đầu cuối rơi vào cái tình trạng này", ông Hoàng Đức Thanh chia sẻ.
Hiện, mới chỉ có 15% (khoảng 10 triệu) thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G, chủ yếu ở khu vực thành thị (chiếm 85 - 90%). Theo khuyến cáo của nhà mạng Viettel, khi mua hay xách tay thiết bị đầu cuối từ nước ngoài về Việt Nam, người dùng cần tìm hiểu các thiết bị đó có hỗ trợ 5G ở Việt Nam hay không? hoặc kiểm tra các thông tin về 5G trên vỏ máy, trong phần hướng dẫn sử dụng, website của hãng và phải hiển thị lựa chọn mạng 5G trong phần cài đặt.
Đại Viettel nhận định, thời gian tới, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ đẩy mạnh thiết bị đầu cuối 5G vào thị trường; đồng thời phía nhà mạng sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi phủ sóng 5G nhưng tiên trước những nơi có nhu cầu lớn, lượng người sử dụng nhiều mà mạng 4G chưa thể đáp ứng.
Sau 10 ngày cung cấp dịch vụ 5G tại Việt Nam, lưu lượng người dùng data trên mạng 5G cao gấp 2,5 lần so với 4G. “Đối với 4G, bình quân một khách hàng tiêu dùng khoảng 8,5 GB data/tháng với 5G, bình quân trên thế giới đang khoảng 20 - 25 GB/tháng, tức gấp 2,5 lần trung bình thế giới”, đại diện Viettel cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Tâm - Phó Tổng giám đốc phụ trách quy hoạch mạng lưới, Tổng công ty Mạng lưới Viettel, để đánh giá sóng yếu hay mạnh, có 3 yếu tố ảnh hưởng chính đến kết quả đo lường: Thứ nhất, khoảng cách đến trạm phát sóng có tác động lớn; thứ hai, số lượng người dùng trong cùng thời điểm sẽ quyết định mức độ tải của hệ thống, càng nhiều người truy cập, chất lượng sóng có thể giảm; thứ ba, yếu tố quan trọng là lựa chọn máy chủ khi tiến hành kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom khẳng định: "Thực tế, 5G không tiêu tốn dung lượng data hơn 4G nếu sử dụng tác vụ và nội dung với cùng một chất lượng".
Với những nhu cầu thông thường của người dung như truy cập mạng xã hội, tải tài liệu… , theo Viettel Telecom, tốc độ truy cập luôn nhanh hơn và không tốn data. Tuy nhiên, với những dịch vụ chất lượng cao như xem video 4K, sử dụng ứng dụng thực tế ảo AR/VR thì sẽ thấy tốc độ nhanh hơn rất nhiều nhưng đồng thời cũng nhanh chóng “cạn” dung lượng, nhất là với những gói cước dung lượng thấp.