Microsoft sẽ tách ứng dụng Teams khỏi bộ Office trên toàn thế giới

Công ty công nghệ Microsoft ngày 1/4 cho biết sẽ tách ứng dụng trò chuyện và video Teams khỏi bộ ứng dụng văn phòng Office trên toàn cầu, sáu tháng sau khi có động thái tương tự ở châu Âu nhằm tránh bị Liên minh châu Âu (EU) phạt chống độc quyền.

Chú thích ảnh
Ảnh: GETTY IMAGES

Ủy ban châu Âu (EC) đang điều tra các sản phẩm Office và Teams của Microsoft sau khi nhận được khiếu nại vào năm 2020 từ ứng dụng nhắn tin văn phòng Slack thuộc sở hữu của công ty phần mềm Salesforce của Mỹ.

Microsoft đã bổ sung miễn phí Teams vào bộ Office 365 vào năm 2017. Ứng dụng này sau đó đã thế chân Skype for Business và trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch, một phần nhờ tính năng họp trực tuyến qua video.

Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh của Microsoft cho rằng việc nhóm các sản phẩm này lại đã tạo cho Microsoft một lợi thế không công bằng. “Ông lớn” công nghệ này đã bắt đầu bán riêng Teams và Office tại EU và Thụy Sỹ vào ngày 1/10 năm ngoái.

Microsoft cho biết sẽ tung ra một dòng sản phẩm Microsoft 365 và Office 365 thương mại mới không bao gồm Teams ở các khu vực bên ngoài Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) và Thụy Sỹ, cùng với đó là một ứng dụng Teams độc lập mới (Teams Standalone). Bắt đầu từ ngày 1/4, khách hàng có thể tiếp tục với hợp đồng hiện tại, nâng cấp hoặc chuyển sang các sản phẩm mới nói trên.

Với các khách hàng thương mại mới, giá gói Office không có Teams dao động từ 7,75-54,75 USD tùy thuộc vào loại sản phẩm, trong khi Teams Standalone sẽ có giá 5,25 USD. Các con số này có thể thay đổi tùy từng quốc gia và tiền tệ.

Sau khi Bộ Tư pháp Mỹ kiện Microsoft vào năm 1998 vì đã lợi dụng vị thế nổi trội của nền tảng Windows để đàn áp sự cạnh tranh từ các trình duyệt web đối thủ, công ty này cuối cùng đã phải nhượng bộ, theo đó nới lỏng sự kiểm soát đối với những gì mà các nhà sản xuất máy tính có thể cài đặt trên các sản phẩm của họ.

Các trình duyệt web đối thủ đã trở nên phổ biến hơn nhiều kể từ sau sự thay đổi này. Nhưng giới phân tích cho rằng việc Microsoft tách rời Teams khỏi Office có thể sẽ không các tác động lớn như vậy.

Sau khi Microsoft Teams được tách khỏi các bộ sản phẩm Microsoft 365 và Office Suites tại châu Âu vào tháng 10/2023, số người dùng nền tảng này hầu như không thay đổi, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower. Số người dùng hoạt động hàng tháng trên ứng dụng di động của Microsoft Teams trong quý I/2024 vẫn ở mức 19 triệu người như quý IV/2023.

Chuyên gia phần mềm Gil Luria của công ty D.A. Davidson nhận định động thái trên có thể sẽ không loại bỏ được hoàn toàn sự thắt chặt kiểm soát về mặt quy định, nhưng việc nó cho thấy Microsoft sẵn sàng chủ động phối hợp như vậy có thể sẽ xoa dịu lập trường của giới quản lý.

Microsoft đã phải chịu các án phạt chống độc quyền tại EU lên đến 2,2 tỷ euro (2,4 tỷ USD)  trong 10 năm qua cho biệ nhóm hai hay nhiều sản phẩm lại với nhau. Lần này, Microsoft có nguy cơ bị phạt 10%  doanh thu cả năm trên toàn cầu nếu được xác nhận là vi phạm luật chống độc quyền.

Báo cáo trước các nhà chức trách chống độc quyền của EU, Microsoft cho rằng công cụ tìm kiếm Google đang có được lợi thế cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh nhờ các bộ dữ liệu lớn và chip AI.
 
Microsoft đưa ra quan điểm trên khi Ủy ban châu Âu tiến hành tham vấn từ tháng 1/2024 về mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực AI tạo sinh.
 
AI tạo sinh là công nghệ có thể tạo ra các phản ứng như con người trước các lời nhắc bằng văn bản, với các ứng dụng như ChatGPT của OpenAI, công ty do Microsoft rót vốn và Gemini của Google.
 
Việc AI tạo sinh ngày càng phổ biến đã gây lo ngại về những thông tin sai lệch và tin giả. 
 
Trong báo cáo, Microsoft cho rằng, ngày nay, chỉ Google có được thế mạnh và sự độc lập ở mọi lớp AI, từ chip tới cửa hàng ứng dụng di động. Các công ty khác sẽ phải phụ thuộc vào việc hợp tác để đổi mới và cạnh tranh.
 
Theo Microsoft, chip AI của Google sẽ giúp tập đoàn này có được lợi thế cạnh tranh trong những năm tới, trong khi các bộ dữ liệu lớn về phần mềm sở hữu độc quyền từ Google Search Index và YouTube cho phép Google đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn Gemini.
 
Microsoft cho rằng YouTube cung cấp bộ nội dung video vượt trội, dựa trên 14 tỷ video theo ước tính. Google đã tiếp cận các nội dung như vậy, trong khi các nhà phát triển AI khác không có được điều này. 
 
Trong khi đó, Google hy vọng nghiên cứu của Ủy ban châu Âu sẽ cho thấy có những công ty đang có cách tiếp cận tương tự đối với các dịch vụ AI.

Microsoft, tập đoàn đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào OpenAI, đang nỗ lực xóa bỏ những lo ngại về các quan hệ hợp tác như vậy giữa các tập đoàn công nghệ lớn và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
 
Google cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào các hình thức đầu tư và quan hệ hợp tác có thể mở đường để và mở rộng hoạt động.
 
Trong khi đó, theo các nguồn thạo tin, Microsoft và OpenAI đang lên kế hoạch cho một dự án trung tâm dữ liệu có thể trị giá tới 100 tỷ USD, trong đó bao gồm một siêu máy tính AI có tên “Stargate” sẽ ra mắt vào năm 2028.

Việc áp dụng nhanh chóng công nghệ AI tạo sinh đã dẫn đến nhu cầu tăng vọt về các trung tâm dữ liệu AI, vốn có khả năng xử lý các nhiệm vụ nâng cao hơn so với các trung tâm dữ liệu truyền thống. Song chi phí cho một trung tâm như vậy cũng dự kiến sẽ gấp 100 lần so với một số trung tâm dữ liệu lớn nhất hiện có.

Khánh Ly (TTXVN)
Triển vọng của Microsoft trong mảng AI
Triển vọng của Microsoft trong mảng AI

Với việc bổ nhiệm nhà khoa học Mustafa Suleyman, người đồng sáng lập của DeepMind vào cương vị giám đốc mảng AI, nhiều chuyên gia đánh giá đây là một nước đi sáng giá của Microsoft trong việc chiêu mộ nhân tài ngành AI.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN