Điểm mặt doanh nghiệp đáng chú ý sẽ tiến hành thoái vốn năm 2018

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), sau thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Vinamilk, năm 2018 sẽ có thêm doanh nghiệp “đại gia” của Tập đoàn dầu khí Việt Nam-PVN như: Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng Công ty điện lực dầu khí-PV Power, PVoil; các công ty của Tập đoàn Cao su Việt Nam... tiến hành thoái vốn Nhà nước với số tiền dự kiến thu về rất lớn.


Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn. Ảnh: PVN.

Thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ lớn trong cổ phần hoá nhưng khác với năm 2017, các thương vụ lớn sẽ phải phân bổ đều ra cả năm chứ không theo kiểu “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm chạy kịp tiến độ” khiến sức nóng của thị trường đổ dồn cuối năm.

Trả lời việc nhiều bộ, ngành không “mặn mà” chuyển giao vốn Nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, vẫn còn tâm lý các đơn vị “ngại chuyển giao” do đã quen việc quản lý trực thuộc bộ, ngành.

Ông Tiến cũng nêu ví dụ về quá trình chuẩn bị cho thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco tốn rất nhiều công sức. Chính phủ phải họp nhiều lần với các cơ quan pháp luật để trao đổi. Vì vậy theo ông Tiến, các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao vốn Nhà nước quy tụ về SCIC cần thực hiện nghiêm túc vì đây là đơn vị có kinh nghiệm và cũng cần phải có một đơn vị đầu mối đứng ra chịu trách nhiệm.

“Cần xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, đại diện Bộ Tài chính nói.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa tại nhiều công ty con của PVN là: Pvoil, PV Power và hóa dầu Bình Sơn.

Theo đó tại PVoil, quyết định nêu rõ, vốn điều lệ của là 10.342,295 tỷ đồng. Trong đó, PVN nắm giữ là hơn 363 triệu cổ phần, chiếm 35,1% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 1,8 triệu cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ. Bán đấu giá công khai là gần 207 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PVoil với tỷ lệ sở hữu tối đa là 49% vốn điều lệ.

Việc cổ phần hóa PV Power sẽ theo hình thức bán bớt một phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 23.418,716 tỷ đồng. Trong đó, PVN nắm giữ gần 1,2 tỷ cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 2,7 triệu cổ phần, chiếm 0,118% vốn điều lệ...


Minh Phương/Báo Tin tức
Có lo mất thương hiệu Việt khi thoái vốn Nhà nước?
Có lo mất thương hiệu Việt khi thoái vốn Nhà nước?

Từ thương vụ Sabeco được giới đầu tư ngoại chi số tiền “khủng” để sở hữu, nhiều ý kiến lo ngại sau này các thương hiệu doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh sẽ bị nước ngoài thâu tóm. Ngày 25/12, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN