Thách thức từ ô nhiễm nguồn nước mặt
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước đảm bảo nước sạch đến với 100% hộ dân. Tuy nhiên, việc cung ứng nước sạch ở TP Hồ Chí Minh hiện đang đối mặt với không ít thách thức bởi tình trạng nhiễm mặn ở các dòng sông do biến đổi khí hậu, đặc biệt là vào mùa khô hay tình trạng ô nhiễm nước mặt xảy ra thường xuyên trên các dòng sông, kênh rạch...
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua các Phường 3 và 5 (quận Tân Bình) luôn trong tình trạng ngập rác thải trên mặt kênh. Phía khu vực cửa xả cống hộp gần đường Út Tịch, rác thải xen lẫn lục bình theo thủy triều dồn về ứ đọng, lấp kín miệng cửa xả.
Tình trạng ô nhiễm mặt sông không chỉ xuất hiện ở kênh Thị Nghè - Nhiêu Lộc mà còn xuất hiện ở nhiều dòng kênh khác trong trung tâm TP Hồ Chí Minh như trên còn rạch Bến Nghé (thuộc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, một trong những dòng kênh lớn nhất của TP Hồ Chí Minh) đoạn chảy qua Quận 1, Quận 4. Trên con rạch này ngày nào cũng xuất hiện tình trạng nước đen kịt, nổi lềnh bềnh bèo quện vào rác, xộc lên mùi hôi...
Không chỉ nội thành xuất hiện tình trạng ô nhiễm mặt nước, tình trạng ô nhiễm nước mặt nước càng trầm trọng như tại rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng phía quận Tân Bình... Nơi đây hàng ngày cũng ngập ngụa rác thải gồm: thùng xốp, bọc ni lông đến xác động vật, chai nhựa… trôi nổi trên mặt kênh này khá nhiều. Chưa kể, trên dòng sông chính là sông Sài Gòn, nhiều đoạn dọc hai bờ xuất hiện ngập ngụa rác thải là thùng xốp, bịch ni lông…
Theo đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố hiện nay, chất lượng nguồn nước thô đang có xu hướng bị ô nhiễm. Theo đó, hệ thống cấp nước sinh hoạt của Thành phố được lấy từ 2 nguồn chính là sông Sài Gòn (tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi - chiếm khoảng 25% tổng công suất), kênh N47 (thuộc nhánh nhỏ của kênh Đông, lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng, chiếm khoảng 8,5% tổng công suất) và sông Đồng Nai (tại chân cầu Hóa An, tỉnh Đồng Nai, chiếm khoảng 60,5% tổng công suất).
Hai dòng sông chính này đều là hạ nguồn của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và được điều tiết bởi 2 hồ chứa phía thượng nguồn. Đây cũng là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam. Ước tính, phía thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai có tới gần 50 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng nước thải ra sông nên nguy cơ gây ô nhiễm rất cao.
Để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm mặt nước từ vấn nạn xả rác thải ra dòng kênh, theo Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các cơ quan, ban ngành liên quan, doanh nghiệp, đơn vị cần có giải pháp tăng cường thu gom, xử lý rác, nước thải ở các đô thị nhằm cải thiện môi trường nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Ngoài ra, hiện nay mới chỉ có 20% nước thải đô thị được xử lý, vì vậy các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hệ thống quan trắc môi trường để thu thập kịp thời các thông số và xây dựng hệ thống thông minh để xử lý, cảnh báo chất lượng nước.
Đảm bảo cấp nước sạch cho người dân
Không chỉ đối mặt với việc ô nhiễm nguồn nước mặt, TP Hồ Chí Minh hiện đang gặp khó khăn bởi nguồn nước cấp cho các nhà máy bị nhiễm mặn.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Tây Nguyên và Nam Bộ gần như không có mưa. Các chuyên gia dự báo lượng mưa sẽ rất ít hoặc không có mưa ở các vùng này cho đến hết tháng 5. Không có mưa khiến mùa khô năm nay ở TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận gặp khó khăn hơn bởi hiện tượng xâm nhập mặn. Theo đó, những đợt triều cường vừa qua đã mang theo độ mặn từ biển lấn sâu vào các kênh rạch trên địa bàn.
Theo bản đồ đo mặn trên sông Sài Gòn, tại trạm Nhà Bè, mặn lên tới 16,4‰, còn tại trạm Thủ Thiêm lên tới 7,8‰ và Lái Thiêu (Bình Dương) là 1,4‰. Những số liệu này cũng là một cảnh báo để TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh các giải pháp ngăn mặn nhằm đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân trong thời gian tới.
Thực tế, từ đầu năm 2024, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có những văn bản chỉ đạo ngành cấp nước TP Hồ Chí Minh (Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - SAWACO) chuẩn bị nhiều phương án ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo cấp nước ổn định và liên tục cho người dân. Theo đó, ngay từ trước mùa khô 2024, SAWACO cũng đã xây dựng sẵn các kịch bản khi nguồn nước bị xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn (nguồn cung cấp nước cho khu vực phía Tây, Tây Bắc thành phố), sông Đồng Nai (nguồn cung cấp nước cho khu vực phía Đông, Đông Bắc và phía Nam thành phố) với các mức độ nhiễm mặn khác nhau.
Đại diện SAWACO cho biết, Tổng công ty đã yêu cầu các đơn vị thành viên phải đảm bảo cấp nước ổn định, liên tục, đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân thành phố; không để xảy ra sự cố lớn, gây yếu, thiếu nước trên diện rộng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng nước. Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên cần ứng phó và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước thành phố; đồng thời tập trung giải quyết, không để thiếu nước nghiêm trọng tại các khu vực đã có mạng lưới cấp nước nhưng áp lực nước yếu, ưu tiên biện pháp dự phòng cho các cơ sở và địa bàn trọng yếu.
Các đơn vị tiếp tục triển khai kế hoạch cấp nước an toàn, trong đó chuẩn bị giải pháp sẵn sàng ứng phó với các sự cố trên mạng lưới, đặc biệt là sự cố trên các tuyến ống chuyển tải chính, chuẩn bị nguồn dự phòng từ các nguồn nước khác, kiểm soát chất lượng nước trên mạng...
Ngoài ra, ngành cấp nước TP Hồ Chí Minh còn triển khai thêm các giải pháp như: Thiết lập các thiết bị giám sát chất lượng nguồn nước online, các ngưỡng cảnh báo đối với các chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản để từ đó có các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động này. Đối với mạng lưới cấp nước, SAWACO lên các kịch bản vận hành hệ thống mạng để điều phối nguồn nước khi có sự cố xảy ra, đảm bảo khả năng cấp nước cho TP Hồ Chí Minh ở mức nhiều nhất có thể.
Đáng chú ý, SAWACO còn kiến nghị với UBND TP Hồ Chí Minh triển khai giải pháp căn cơ như xây dựng các hồ chứa nước thô đầu nguồn. Các hồ chứa này vừa là nơi tiền xử lý nước, giảm thiểu các chất ô nhiễm trong nguồn nước thông qua quá trình làm sạch tự nhiên, vừa đảm bảo trữ nước khi có sự cố về nguồn nước thô trên sông Sài Gòn.
Hiện tổng công suất thiết kế các nhà máy nước thuộc SAWACO là 2,4 triệu m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố, với tổng chiều dài mạng lưới truyền tải và phân phối nước sạch tính đến năm 2023 là gần 11.000 km.
Năm 2024, SAWACO đặt ra các nhiệm vụ, yêu cầu trọng tâm đối với ngành cấp nước TP Hồ Chí Minh như chú trọng bảo đảm hoạt động cung cấp nước liên tục, an toàn cho người dân, duy trì tỉ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó, SAWACO tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Phát triển hệ thống cấp nước TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2050 và chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm thành phố giai đoạn 2020 - 2030.
Ngành nước Thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nước sạch - tiến tới cung cấp nước uống trực tiếp tại vòi tại những khu vực thí điểm trên hệ thống cấp nước của SAWACO sau năm 2025.