Diễn ra từ ngày 28 - 30/6, chương trình đã mang đến cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng và cơ sở sản xuất tại địa bàn tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long không gian giao lưu, cơ hội trải nghiệm các giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop. Từ đó, giúp họ chủ động xúc tiến chuyển đổi số, phát triển tiêu thụ nông sản và quảng bá du lịch nông thôn địa phương.
Chương trình Chợ phiên OCOP "Hương vị An Giang" bao gồm các hoạt động chính: Đào tạo tập huấn kỹ năng chuyển đổi số; Kết hợp quảng bá du lịch địa phương; Phiên LIVE "Hương Vị An Giang"; Tọa đàm "Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang".
Cụ thể, trước thềm sự kiện Chợ phiên OCOP "Hương vị An Giang", đội ngũ TikTok Shop cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp đã triển khai các lớp tập huấn về "Kỹ năng kinh doanh số trên nền tảng TikTok" cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng và cơ sở sản xuất tại địa bàn tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Lớp tập huấn cung cấp kiến thức cơ bản, giúp các chủ thể tìm hiểu và tận dụng giải pháp thương mại điện tử sẵn có từ TikTok Shop để quảng bá sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ và xây dựng thương hiệu bền vững cho các sản phẩm OCOP.
Chợ phiên OCOP "Hương vị An Giang" còn có sự đồng hành xuyên suốt của các nhà sáng tạo nội dung nổi bật, cùng tham gia hashtag #HelloAnGiang và trổ tài quảng bá các khu vực, điểm du lịch nổi tiếng, cũng như chia sẻ thêm về nguồn gốc và quy trình sản xuất của từng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh An Giang thông qua các video ngắn. Với lượng người theo dõi đông đảo, 14 video gắn hashtag #OCOP #HouseofDeera #HelloAnGiang #HDBankDongHanhNongSanViet đến từ các nhà sáng tạo nội dung trên nhanh chóng thu hút gần 10 triệu lượt xem sau trong vòng 12 giờ đăng tải, góp phần lan toả những giá trị văn hóa và phát huy truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Phiên LIVE 'Hương Vị An Giang' tại Nông trại Phan Nam (xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), đã diễn ra trên nền tảng TikTok Shop từ 9 giờ đến 13 giờ ngày 30/6/2024. Kiên định với mục tiêu xúc tiến phát triển tiêu thụ nông sản địa phương, phiên LIVE mang đến hơn 30 sản phẩm đến từ các doanh nghiệp, nhà bán hàng và cơ sở sản xuất thuộc tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, các sản phẩm nổi bật gồm có Trà kim ngân hoa, Mật hoa thốt nốt, Đường thốt nốt, Mắm cá linh chưng, Cá linh kho mía, Thốt nốt lon, Bắp non đóng hộp, Tương hột thốt nốt, Tương xay, Siro atiso đỏ (hoa bụp giấm), Nấm đông trùng hạ thảo, Nấm linh chi, Rượu vang thốt nốt, Bánh hạnh nhân Tiến Anh, Trà mãng cầu Thanh Nam, Trà sâm đinh lăng, Rượu sâm đinh lăng, Chả cá thát lát, Mật ong hoa tràm nguyên chất rừng tràm Trà Sư, Mắm chao cá mè vinh... Trong vòng 4 giờ, nhờ vào sự phối hợp ăn ý giữa các nhà sáng tạo nội dung và các nhà bán hàng địa phương, phiên LIVE đã ghi dấu nhiều khoảnh khắc thú vị và bùng nổ, nổi bật nhất là nhà APG Eco đã bán ra hết 22.8 tấn gạo. Tổng phiên LIVE đã tiếp cận 31.6 triệu người, trong đó có 1.6 triệu lượt xem, và bán ra trên 17.8 nghìn đơn hàng, nổi bật nhất là nhà APG Eco đã bán ra hết 22.8 tấn gạo. Gạo ruộng tôm (APG Eco), Mật Hoa Thốt Nốt (Chân Phương), Đường Thốt Nốt (Tường Vy) là các sản phẩm được yêu thích nhất. Ngoài ra, đơn vị đồng hành HDBank đã tham gia trợ giá để hỗ trợ quảng bá rộng rãi các sản phẩm tỉnh An Giang với 300 mã voucher các loại, lên đến 100k.
Cuối cùng, chiều 30/6, tại Hội trường Khách sạn Đông Xuyên (số 9A Lương Văn Cù, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã diễn ra chương trình Toạ đàm "Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang". Sự kiện thu hút gần 100 đại biểu, khách quý bao gồm các lãnh đạo từ Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TikTok Việt Nam, nhà sáng tạo nội dung; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa thể thao và du lịch, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, và các doanh nghiệp, chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh An Giang.
Nội dung tọa đàm tập trung vào định hướng phát triển cho các sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử;Chia sẻ các chính sách hỗ trợ các sản phẩm khởi nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử; Chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn khi bán hàng trên TikTok Shop.
Chợ phiên OCOP "Hương vị An Giang" đã trở thành cơ hội quý giá để các các doanh nghiệp, nhà bán hàng và cơ sở sản xuất địa phương chia sẻ và nâng cao kỹ năng trong việc xúc tiến thương mại điện tử, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của các sản phẩm OCOP và nâng cao năng lực số cho cộng đồng kinh doanh nông nghiệp.