Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu
TMĐT không chỉ là xu hướng, mà đang là giải pháp phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, với nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ sinh lợi, phát triển.
Theo Amazon Global Selling, giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới trên toàn cầu tăng gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng TMĐT thông thường. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới hàng năm sẽ tiếp tục đạt mức hơn 28% đến năm 2027.
Ngày 27/7, gần 80 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Trung Quốc, Canada, Australia, Ả Rập Xê-út... đã đồng ý thực hiện bộ quy tắc đquản lý TMĐT toàn cầu, khẳng định vai trò của TMĐT trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định: TMĐT xuyên biên giới là xu thế tất yếu. Một năm qua có khoảng hơn 17 triệu đơn vị sản phẩm đã tới tay người tiêu dùng toàn cầu được cung ứng bởi các nhà bán hàng Việt Nam, đây là con số ấn tượng về TMĐT để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế bằng một click chuột.
Bà Trần Bích Ngọc, Phó Chánh Văn phòng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Thư ký Chương trình phát triển TMĐT Quốc gia chia sẻ: “Tốc độ phát triển của TMĐT Việt Nam trung bình đạt khoảng 20%/năm và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị xuất khẩu qua TMĐT năm 2022 đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, dự kiến khoảng 300.000 tỷ đồng vào năm 2027. Điều này cho thấy, thị trường TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam tiềm năng.
Những rào cản trong xuất khẩu trực tuyến
Tuy nhiên, TMĐT cũng đặt ra nhiều những thách thức về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, không ít các nhãn hiệu Việt Nam như: Thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc hay gạo Nàng Hương đã bị thiệt hại tới hàng trăm nghìn USD mới lấy lại được thương hiệu.
Không chỉ có rủi ro về bảo hộ sở hữu trí tuệ, khi tham gia vào các mô hình xuất khẩu qua TMĐT, doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với 4 nhóm khó khăn chính: Tiếp cận thông tin, năng lực sản xuất, chi phí và những quy định về pháp lý của quốc tế.
Đứng trước những khó khăn trên, ông Trần Văn Trọng,Tổng Thư ký VECOM cho biết: VECOM mong Nhà nước có những chính sách phù hợp, tạo được điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia TMĐT xuyên biên giới; có các chính sách phát triển hạ tầng số; đẩy mạnh giúp doanh nghiệp chuyển đổi số, tiếp cận chuyển đổi số.