Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các hiệp hội "De Baecque - D'Ouince - Sarrau" và "Binoche et Giquello" dự kiến tổ chức đấu giá các đồ vật thời kỳ tiền Colombo tại Paris (Pháp) vào ngày 9, 11 và 18/2 tới. Trước đó, 1 lô vật phẩm gồm các hiện vật nghệ thuật nguyên thủy từ nhiều châu lục khác nhau và hàng chục hiện vật có nguồn gốc từ các nước Mỹ Latinh như Peru, Colombia và Costa Rica cũng đã được nhà đấu giá Millon rao bán trong ngày 28/1 với mức giá khởi điểm là hàng nghìn euro.
Từ nhiều năm nay, chính phủ 6 nước trên đã kịch liệt phản đối việc Pháp cho phép đấu giá các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ tiền Colombo, đồng thời cam kết tiếp tục “tích cực hoạt động ngoại giao" trên nhiều mặt trận nhằm “bảo vệ di sản của khu vực thông qua các biện pháp hợp pháp, song phương với Chính phủ Pháp và đa phương, chủ yếu thông qua Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)”.
Các phái đoàn ngoại giao Mỹ Latinh cho biết trở ngại chính trong đàm phán với Pháp là luật pháp của quốc gia châu Âu này quy định rằng “việc hoàn trả các hiện vật phụ thuộc vào quyết định của chủ sở hữu tư nhân”.
Cả 6 quốc gia nêu trên cùng khẳng định sẽ "kiên định thúc đẩy các hành động nhằm ngăn chặn thương mại hóa các hiện vật văn hóa có giá trị lịch sử”, cũng như thực hiện các hành động nâng cao nhận thức để các hiện vật này được công nhận là một phần của di sản lịch sử của tất cả nhân loại.