Lễ Cúng trăng năm nay diễn ra trong không khí trang nghiêm tại chùa Khleang, thành phố Sóc Trăng. Đây là hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam bộ, góp phần cho không khí Lễ hội Ok Om Bok thêm náo nhiệt, tạo nên sự đa dạng của văn hóa Khmer.
Lễ Cúng trăng mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Sóc Trăng, thể hiện sự khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người đối với con người và thiên nhiên. Lễ hội còn mang ý nghĩa tâm linh được thể hiện qua các vật cúng và trang trí. Có nhiều cách lý giải khác nhau, theo quan niệm từ xưa đến nay của đồng bào Khmer, mặt trăng là vị thần điều tiết mưa nắng, đem lại sự phát triển thuận lợi cho mùa màng và công việc đồng áng. Khi mùa màng đã thu hoạch xong, người Khmer làm lễ cúng trăng để thể hiện lòng biết ơn và cầu cho mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi, bà con được hưởng ấm no, hạnh phúc.
Lễ Cúng trăng là một sản phẩm văn hóa đặc trưng, phục vụ phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng miền, gắn với việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Trong khuôn khổ các hoạt động tại lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng thứ III khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017, tối 1/11, Hội thi thả đèn nước và Phục dựng ghe Cà Hâu đã diễn ra trên dòng sông Maspero, đoạn từ giữa cầu C247 và cầu 30/4. Hội thi có sự tham gia của ba ghe Cà Hâu và 11 đội đèn nước của 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Sóc Trăng. Việc chuẩn bị chu đáo, trang trí lung linh của các đội thi trên các ghe, đèn nước đã làm cho dòng sông Maspero lung linh, huyền ảo, mãn nhãn du khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng thức.