Đảo Trần có diện tích 4,5 km2, cách đảo Cô Tô lớn 45 km, là một hòn đảo có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng biên giới biển quốc gia, được ví như “Trường Sa” vùng Đông Bắc. Đời sống của quân dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn, vất vả...Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Ngôi chùa Trúc Lâm được xây dựng ở đảo Trần, vùng tiền tiêu của biên ải phía Bắc. Nơi đây không những thỏa mãn nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhất là người dân vùng biển nơi xa xôi với đất liền, mà đó còn là cột mốc văn hóa, cột mốc chủ quyền của đất nước".
Chùa sẽ được xây mới trong khuôn viên 2,72ha với 22 công trình chính và phụ trợ, như: Ngôi Đại hùng Bảo điện, nhà thờ Tổ; nhà thờ Mẫu; lầu chuông; lầu khánh; đền thờ Trần Hưng Đạo và các tướng thời Trần; nhà Tăng; nhà khách; khu cổng tam quan... với chất liệu gỗ lim, đá, gạch nung, bảo đảm mỹ thuật và sự bền vững với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng biển đảo. Tổng mức đầu tư của toàn dự án trên 47 tỷ đồng, bằng nguồn vốn xã hội hóa, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho biết, chùa là nơi hội tụ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tu dưỡng đạo đức làm người, nơi vun đắp chân thiện mỹ, nghĩa cử cao đẹp... Ông Nguyễn Việt Dũng mong các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, bà con nhân dân, cán bộ chiến sỹ cùng chung tay chia sẻ, đồng hành cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh để hoàn thiện ngôi chùa.
Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh bày tỏ sự vui mừng khi ngôi chùa được xây dựng trên đảo tiền tiêu và khẳng định chỉ có những con người đã từng sinh sống nơi đảo xa mới là những người thấm thía nhất nỗi khó khăn, vất vả trong cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió. Nhưng cũng từ chính cuộc sống vất vả khó khăn ấy, tình yêu với biển, tình yêu với đảo, trách nhiệm giữ gìn bảo vệ biển đảo quê hương được nuôi dưỡng, được vun bồi để trở thành máu thịt thiêng liêng.
"Các công trình tâm linh trên dọc dài biên ải đã phát huy 'sức mạnh mềm' trong quá trình đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia dân tộc. Chúng ta đã thành công trong phong trào 'góp đá xây Trường Sa' của vùng biển phía Nam thì chúng ta cũng hy vọng làm được việc tượng tự ở Trường Sa vùng biển Đông Bắc", Thượng tọa Thích Thanh Lịch nhấn mạnh.