Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có thời lượng khoảng 90 phút, do các nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu trình diễn.
Chương trình có 2 chương là Cội nguồn, Bạc Liêu tiềm năng và khát vọng phát triển; với các tiết mục ca, ca múa, cải lương mang nội dung về sự hình thành, phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử trong tiến trình khai phá vùng đất phương Nam; bản sắc văn hóa, khát vọng vươn lên của Bạc Liêu trên đường đổi mới, phát triển.
Tại Chương trình, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Bạc Liêu tiến hành trao giải cho các tác phẩm, tác giả đoạt giải Cuộc thi sáng tác chập cải lương, lời mới bản Đờn ca tài tử và vọng cổ về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới năm 2023. Cuộc thi thu hút 190 bài dự thi của hơn 50 tác giả từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất cho 2 tác phẩm gồm: "Điểm khởi đầu" (thể loại: Chập cải lương) của tác giả Trần Thị Kim Hằng và "Bức tranh quê" (thể loại: Bài bản Đờn ca tài tử) của tác giả Vưu Long Vĩ. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 3 giải Nhì, 1 giải Ba.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng tặng Bằng khen cho 15 nhạc sỹ của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh vì có sáng tác các ca khúc mới về Bạc Liêu.
Đờn ca tài tử Nam Bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam hình thành, phát triển từ cuối thế kỉ XIX, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Ngày 5/12/2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ mà còn là một minh chứng về sức sống, sức lan tỏa của văn hoá truyền thống Việt Nam. Bạc Liêu là một trong 21 tỉnh, thành phố lưu giữ, phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.