Bà Phạm Thị Lượng đã có 41 năm gắn bó với dân ca bài chòi. Bà Lượng chia sẻ, bà biết đến môn nghệ thuật này từ khi 16 tuổi. Lúc đó, nghe cô ruột là Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Hữu Ích cùng các cô chú khác tập hát nên bà thích thú. Cũng từ đó, tình yêu dành cho nghệ thuật dân gian lớn dần trong bà và như đã ngấm vào trong máu thịt. “Nghe bài chòi từ các cô chú biểu diễn tôi cảm thấy lạ lắm, nó không giống như những câu ca, tiếng hát trước đó đã nghe, các câu từ, điệu bộ cứ thấm dần vào tâm trí lúc nào không biết”, bà Lượng nói.
Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn, nhiều lần bà Lượng có ý định không theo nghiệp hát bài chòi. Nhưng duyên nợ gắn chặt, bà lại tiếp tục sưu tầm, rồi sáng tác những làn điệu dân ca bài chòi. Bà là một trong những người tích cực tham gia xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tặng Bằng khen.
Từ năm 2018, bà được tin tưởng chọn làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ bài chòi của huyện Mộ Đức. Vì điều kiện gia đình nên bà phải gác lại đam mê với bài chòi để tập trung phát triển kinh tế. Dù không theo đuổi được con đường nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng sau những giờ lao động mưu sinh, bà vẫn luyện tập các bài dân ca bài chòi để thỏa niềm đam mê, bà Lượng cho hay.
Hiểu biết về nghệ thuật bài chòi, bên cạnh việc thỏa mãn đam mê của bản thân, bà Phạm Thị Lượng còn phục vụ người dân trong làng, ngoài xóm. Hơn 40 năm qua, vào các dịp sinh hoạt tại khu dân cư, chương trình biểu diễn nghệ thuật, bà Lượng đều tình nguyện góp vui bằng những câu hát. Kể từ khi đảm nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Câu lạc bộ bài chòi huyện Mộ Đức, hoạt động ca hát bài chòi ngày càng trở nên sôi nổi. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cũng từ đây, bà có điều kiện để truyền đạt lại kỹ năng, kiến thức của mình về nghệ thuật bài chòi dân gian đến với nhiều người.
Anh Võ Minh Hiếu, thành viên Câu lạc bộ bài chòi huyện Mộ Đức cho biết, thành viên câu lạc bộ có độ tuổi khác nhau, công việc khác nhau nhưng có điểm chung là cùng đam mê hát bài chòi. Nhờ sự động viên, khích lệ từ bà Lượng nên ai cũng cố gắng sắp xếp việc riêng để tham gia tập luyện, biểu diễn.
“Tôi mê hát những làn điệu bài chòi từ thời tấm bé. Những làn điệu ngọt ngào, mượt mà thấm đẫm tình quê, gắn kết yêu thương pha chút hóm hỉnh làm cho tâm hồn người nghe dễ chịu. Khi huyện thành lập Câu lạc bộ bài chòi huyện, tôi đăng ký tham gia với hy vọng sẽ học hỏi từ các đàn anh, đàn chị, để giọng hát thêm hoàn thiện”, anh Hiếu cho biết.
Huyện Mộ Đức đã có định hướng đưa nghệ thuật hát dân ca bài chòi, chơi bài chòi trở thành một sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Huyện chọn xây dựng địa điểm biểu diễn nghệ thuật bài chòi ở Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xã Đức Tân); đồng thời bố trí kinh phí mở lớp truyền dạy nghệ thuật bài chòi.
Bà Võ Thị Minh Quyên, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Mộ Đức cho biết, từ năm 2023, bà Phạm Thị Lượng mắc bệnh nên sức khỏe có phần giảm sút. Tuy nhiên, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Bà còn tham gia truyền dạy dân ca bài chòi cho những người có đam mê để cùng gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Những năm gần đây, Mộ Đức là địa phương đạt nhiều giải cao tại các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng của tỉnh Quảng Ngãi. Bà Lượng là người có nhiều đóng góp trong những thành tích chung này.
Cuộc sống đời thường của bà Lượng rất giản dị nhưng mỗi khi ngân nga câu hát, hay bước lên sân khấu, bà lại sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Suốt chặng đường dài gắn bó, nuôi dưỡng và gìn giữ nghệ thuật truyền thống, bà đã đi biểu diễn và truyền cảm hứng cho nhiều người, nhất là thế hệ trẻ. Bà còn sưu tầm và biên tập, sáng tác thêm lời mới dựa theo làn điệu dân ca để tạo thành một bài hát hoặc một liên khúc dân ca.
“Tôi chỉ mong mình có đủ sức khỏe để tiếp tục đem những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy trong thời gian qua truyền đạt lại cho các học viên, với mong muốn các bạn trẻ tiếp thu, gìn giữ và phát huy tối đa giá trị nghệ thuật bài chòi của địa phương, dân tộc”, bà Lượng mong muốn.