Chương trình trình diễn Lôiprotip (Thả đèn nước) và ghe Cà Hâu có sự tham dự của các huyện, thị xã, thành phố và một số chùa có lưu giữ ghe Cà Hâu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thời gian bắt đầu từ 19 giờ mỗi đêm. Năm nay, ngoài những chiếc đèn mang dáng dấp của những ngôi chùa tại địa phương được thiết kế công phu sáng tạo, cách điệu, hài hòa với không gian sông nước lung linh sắc màu rực rỡ còn có những chiếc ghe Cà Hâu được phục dựng sinh động, đẹp mắt.
Trong khung cảnh trời đêm, dòng sông lấp lánh sắc màu của những chiếc đèn nước, mang đến những cảm giác đẹp mới lạ, phong phú của không gian nghệ thuật, để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách đến với Sóc Trăng. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, địa điểm rộng rãi, thông thoáng cùng với lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự đã tạo cảm giác thoải mái, an toàn cho người dân, du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (thành phố Cần Thơ) cho biết cực kỳ ấn tượng về màn trình diễn, rất lung linh, rực rỡ. Tuy rất đông người đến tham quan nhưng không chật chội, chen lấn. Chương trình trình diễn là nơi "check in" lý tưởng của rất đông bạn trẻ. Tương tự, anh Hoàng Văn Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ sự lý thú khi tham quan trình diễn thả đèn nước, các ghe Cà Hâu đậm sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Bên cạnh đua ghe Ngo thì đây có thể được xem là điểm nhấn của Ngày hội năm nay.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý, việc trình diễn Lôiprotip (Thả đèn nước) và ghe Cà Hâu nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer. Đây còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành một điểm nhấn về những sắc màu văn hóa – du lịch của Sóc Trăng để thu hút du khách, góp phần cho không khí Ngày hội thêm tưng bừng, náo nhiệt, tạo nên sự đa dạng của văn hóa Sóc Trăng nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đồng thời, sự kiện thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, phát huy tiềm năng, thế mạnh của đồng bào các dân tộc, gắn với kế hoạch phát triển chung của cả nước, đưa vùng đồng bào các dân tộc cùng cả nước thực hiện thành công tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lễ thả đèn nước (Lôiprotip) là một loại hình văn hóa độc đáo xuất phát từ Phật giáo, được đồng bào Khmer giữ gìn, phát huy đến ngày nay. Theo truyền thuyết, đây là lễ để cúng chiếc răng nanh của Phật Thích Ca được cất giữ nơi long cung bởi rắn thần Naga.
Trong đêm diễn ra Lễ Thả đèn nước (Lôiprôtip), mọi người sẽ tập trung về dòng sông Maspero ở thành phố Sóc Trăng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chiếc đèn nước lấp lánh sắc màu. Đèn nước được mô phỏng theo giống kiến trúc của những ngôi chánh điện hoặc ngọn tháp với phần khung được làm bằng gỗ hoặc kim loại để tạo sự vững chãi; phần thân, mái ngói, chóp của thuyền được tạo hình bằng giấy bìa cứng; bên ngoài được trang trí với hoa, đèn và nhang, bên trong bày vật cúng tế.
Ghe Cà Hâu được hiểu là ghe hầu, loại thuyền độc mộc dành cho Thượng tọa, Đại đức, người có uy tín ngồi, chỉ đạo các đội thi đấu trong các cuộc đua ghe Ngo. Ngoài ra, ghe Cà Hâu còn dùng để chuyên chở lương thực, nước uống, dàn nhạc… phục vụ, tiếp hậu cần cho đội ghe Ngo trong những cuộc đua, đường đua. Hiện nay, ghe Cà Hâu không còn được dùng trong các dịp đua ghe Ngo của đồng bào Khmer như trước nhưng với ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn những vật dụng sinh hoạt, có giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của đồng bào, một số ghe Cà Hâu cổ thiết kế, trang trí kỳ công, vẫn đang được các chùa Khmer ở Sóc Trăng đưa vào bảo quản, trưng bày.