Ngày Tết Nguyên đán, không gia đình nào ở Việt Nam lại thiếu thứ nước uống để mời khách, đó chính là nước trà. Đó có thể là nước chè xanh được ủ trong ấm tích màu xanh vàng óng ánh, có thể là nước trà búp được sao tẩm kì công pha trong ấm chuyên nóng hổi, mấy năm gần đây có thêm các loại trà túi như trà lipton… được pha thêm các hương vị trái cây. Song có lẽ trà búp khô vẫn chiếm tỉ lệ dùng nhiều nhất.
Trà được người Việt dùng suốt năm, suốt đời, kể từ quán nước bên hè phố đến ấm trà trong gia đình, hay những nhà hàng sang trọng. Nhâm nhi chén trà là khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ hàn huyên của bạn bè tri kỉ, của những cuộc giao lưu bất chợt để từ không quen biết trở thành bạn. Cây chè Việt vì thế đã trở thành một thứ cây khởi nguồn cho nhiều công việc, khởi nguồn cho sự giao tiếp tình cảm trong đời sống thường nhật, một thứ nước uống khó thiếu của người Việt.
Nguồn gốc của trà có thể được tìm thấy khoảng hơn 4.000 năm ở Trung Hoa. Không ai có thể chắc chắn cuộc pha trà đầu tiên được diễn ra ở đâu và vào thời điểm nào. Những câu chuyện được coi như huyền sử của trà mang dáng vẻ thần thoại hơn là sự thật. Vua Thần nông khi tuần thú phương Nam, vô tình uống được một thứ lá cây rơi trong nồi nước đang sôi làm cho tinh thần sảng khoái phấn chấn nên ông gọi đó là chè. Hoặc có một người thành thạo về y khoa, Thần nông đã khám phá chè là một loại dược thảo vào năm 2737 trước công nguyên khi có vài chiếc lá cây rơi vào ấm nước đang đun sôi của ông. Sau khi uống thử ông đã phát hiện mình có một năng lực kỳ diệu… Ngay lập tức ông xếp cây chè vào danh sách các loại thảo dược.
Hiện nay các nhà khoa học đã chứng minh được trà xanh là kho tàng của các hoạt chất sinh học. Điển hình như các polyphenol, các alkaloid, các aminoaxit, vitamin, flavonid, flour, tanin, saponin… Tất cả có 12 nhóm hoạt chất trong cây chè. Trà có khả năng kích thích lao động và đem lại niềm vui, trà có lợi ích cho hô hấp và tim mạch, trà có khả năng ức chế, ngăn ngừa sự phát triển tế bào ung thư vì trà có chứa một loại dược tính gọi là ECGC (Epi gallocatechine gallate), loại chất có khả năng chống ung thư (từ ngăn cản tế bào ung thư đến chặn đứng sự di căn của các khối u). ECGC có sức chống chất ôxy hóa mạnh gấp 100 lần so với vitamin C và gấp 25 lần so với vitamin E.
Trên thế giới, các nước trồng chè và uống trà có những nét văn hóa trà riêng như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên... Với Việt Nam, văn hóa trà khác với Trung Hoa, Nhật Bản (nơi đã từng coi trà như một tôn giáo (như cách gọi “Trà Kinh”, “Trà đạo”), người Việt Nam coi thưởng trà là nghệ thuật với quan niệm: Nghệ thuật phải phi công thức.
Người Việt Nam có cách uống trà riêng của mình, có thể gọi là trà phong (phong cách uống trà) thể hiện phong phú những khía cạnh văn hóa ứng xử của người dân Việt. Người Việt dùng trà nguyên thủy (trà mộc chưa được ướp hương, giúp người uống cảm nhận được vị nguyên sơ); trà thanh hương được ướp với nhiều nguyên liệu khác nhau thành trà sen, trà sói, trà bạch ngọc (ướp hương từ năm loại hoa màu trắng: Nhài, cúc trắng, bông bạch, mộc và ngọc lan); trà mật ong, trà long nhãn, trà nhân sâm… Mỗi loại trà làm nên một hương vị khác nhau, trong đó trà sen là thứ trà quí nhất, ngày xưa chỉ dành cho bậc vua chúa thưởng thức.
Văn hóa trà Việt Nam gắn kết với đời sống, tâm linh người Việt từ bao đời nay. Khi thưởng trà người ta thấy sảng khoái, gần gũi, mối quan hệ xóm giềng, tình làng, nghĩa xóm được giao hòa.
Người Việt Nam thưởng trà theo cách độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người), hay quần ẩm (nhiều người) thể hiện văn hóa thuần chất của mình, đồng thời vẫn còn có những tiêu chuẩn về chất lượng cũng như vị thế của việc thưởng trà. Nước dùng pha trà thường phải là thứ nước mưa được hứng giữa trời, hay từ các nguồn suối tự nhiên, cầu kỳ hơn nữa là thứ sương đọng trên lá sen vào buổi sớm mai. Cách đun nước cũng phải đảm bảo giữ được độ thanh tĩnh và không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà (người Việt gọi là “Nhất thủy”,“Nhì trà”) tức là việc dùng trà mộc hay trà hương. Những người có thú đam mê uống trà ngày nay đã đề ra 5 chuẩn mực về cách chọn trà ngon: “Sắc – thanh – khi – vị – thần”, nhưng với những người sành trà, thì trà mộc móc câu (cánh trà sao quăn lại giống hình móc câu, cánh tròn, trôi tay, sau khi lấy hương chè thì có màu mốc cau) là loại trà quí nhất. “Tam bôi, tứ bình” (bình và ấm trà) đó chính là bộ đồ pha và uống trà có ấm và bốn chén quân, một chén tống để chuyên trà. Chén quân thường là loại chén hạt mít (mắt trâu), bình cũng có bình chuyên, bình tống, tùy theo lối uống “độc ẩm, song ẩm, tứ ẩm hay quần ẩm” để chọn loại bình tương ứng. Với bạn trà “ngũ quần anh”, tức tìm “bạn trà” đôi khi khó hơn tìm “bạn rượu”. Vì bạn trà là người bạn tri âm, cùng nhau thưởng trà, ngâm thơ, bộc bạch nỗi niềm hay bàn chuyện gia đình, xã hội, nhân tình thế thái để cảm nhận trong trà có cả trời đất, cỏ cây. Người Việt cũng chọn thời điểm thưởng trà, theo câu thơ xưa: “Bán dạ tam bôi tửu/Bình minh sổ trản trà….” (Canh khuya ba chén rượu/Mai sớm một tuần trà…). Người thưởng trà sành điệu là người chọn thời điểm uống trà vào lúc tờ mờ sáng (khoảng 4-5 giờ sáng) khi thời khắc âm dương giao hòa, đêm qua – ngày tới), uống trà thời khắc giao hòa này sẽ có lợi cho sức khỏe và tâm hồn, hướng người thưởng trà tới những điều tốt đẹp.
Về không gian thưởng trà của người Việt cũng đòi hỏi có một không gian rộng để tận hưởng được hết sự tinh túy của trà. Không gian thưởng trà thường mang hơi hướng của văn hóa thiền– là không gian thanh tịnh, thuần khiết, tao nhã, êm dịu. Lý tưởng nhất là những nơi có khung cảnh thiên nhiên đẹp, yên tĩnh, bên trong có tranh ảnh, thư pháp, góc đọc sách báo hoặc bàn cờ.
Vậy nên văn hóa trà Việt đã được người đời tổng kết vừa có nét cầu kỳ, vừa mang tính dân dã. Xuân về, Tết đến, thưởng một ấm trà ngon cho tâm hồn sảng khoái, sức khỏe dồi dào cũng là cái thi vị không dễ gì bỏ qua của mọi gia đình người Việt.
Bài và ảnh: Duy Tường