Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia có vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện tốt nhất để tập hợp những người có mong muốn phát triển ngành du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón tới 12,7 triệu khách quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ. Chất lượng du khách đến Việt Nam cũng tăng mạnh. Trước đây, phòng của khách sạn 3 sao được bán chạy nhất, còn hiện nay là khách sạn 5 sao”, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết.
Clip Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu về định hướng thu hút khách du lịch cao cấp đến Việt Nam:
Nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nhận định, với tiềm năng của du lịch Việt Nam, vấn đề làm sao có thể thu hút khách đến Việt Nam nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn. Việt Nam đã đón nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có những đoàn có mức chi tiêu cao ở các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Đông, Châu Âu, Mỹ... đã đến Việt Nam. Để thu hút dòng khách du lịch cao cấp cần sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch phân tích và đánh giá về chất lượng du lịch của Việt Nam so với các nước, thị trường khách du lịch cao cấp tại Việt Nam.
Bà Ngô Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty CP Vinpearl cho biết: “Đối với chúng tôi điều quan trọng nhất là hiểu khách hàng, họ là ai, họ muốn gì. Chúng tôi luôn luôn làm khảo sát về khách hàng và tiếp cận theo thị trường để xác định dịch vụ khách hàng cần, từ đó phát triển sản phẩm để tiếp cận đối tượng khách hàng Vinpearl hướng tới. Với phân khúc khách cao cấp, họ luôn yêu cầu sản phẩm riêng biệt, thiết kế riêng đáp ứng nhu cầu cá nhân. Hiện, chúng tôi có 49 cơ sở trải dài trên toàn quốc và năm 2025 chúng tôi sẽ khai trương thêm nhiều cơ sở mới tại Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh…".
Trong khi đó, ông Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel nhận xét: Việt Nam có nhiều tiềm năng, thu hút nhiều khách du lịch, nhưng cũng là nơi nhiều rác nhất. Do đó, để đón dòng khách cao cấp, trước hết phải có môi trường xanh, sạch. Tiếp đó, đưa được bản sắc truyền thống văn hoá vào sản phẩm du lịch để tạo nên sự riêng biệt.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, từ những đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia du lịch... Cục Du lịch sẽ tổng hợp để tham mưu cho Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2030 các sản phẩm du lịch phục vụ dòng khách cao cấp.