Tại buổi đối thoại, các đại biểu và người dân đã được nghe thông tin về mô hình du lịch cộng đồng theo hướng bền vững giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của địa phương; giới thiệu các nguồn lực, tiềm năng có thể phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Bích Đầm và khả năng triển khai hợp tác phát triển bền vững.
Các đơn vị, doanh nghiệp chia sẻ một số hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch của công ty du lịch có sự hợp tác của cộng đồng; kết quả học tập mô hình đồng quản lý trong bảo vệ, bảo tồn rạn san hô, các hệ sinh thái và du lịch cộng đồng tại Hòn Yến, Phú Yên; làm rõ hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ quan nhà nước với cộng đồng dân cư trong quản lý du lịch cộng đồng.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa chia sẻ: Du lịch cộng đồng với bản chất tương đối bền vững nhờ lợi thế gần gũi, gắn bó thân thiện với môi trường sống của con người; giúp người dân dần cải thiện mức sống, xóa đói giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng giữa các địa phương, khu vực với nhau nhờ chuyển đổi sinh kế từ hoạt động nông nghiệp sang dịch vụ du lịch và các hoạt động phi nông nghiệp khác. Do đó, Bích Đầm với điều kiện tự nhiên, con người hiện tại rất thích hợp để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Điều quan trọng là cần sự chung tay của các bên tham gia trách nhiệm, nhiệt huyết.
Anh Nguyễn Vũ, đại diện Công ty Wonder Word tư vấn cho người dân ở Bích Đầm cùng các cơ quan quản lý nhà nước cách phát triển du lịch cộng đồng. Trên cơ sở đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại Phú Quốc (Kiên Giang), anh Vũ khẳng định, để làm du lịch bền vững, người dân địa phương chính là yếu tố quan trọng nhất, mỗi người phải là một nghệ nhân, hướng dẫn viên, tham gia cứu hộ, cứu nạn du khách, quản lý vùng biển trực tiếp… Cùng với đó là sự song hành của chính quyền địa phương và sự trợ giúp của doanh nghiệp.
Chia sẻ về câu chuyện làm du lịch cộng đồng ở Phú Quốc, đại diện doanh nghiệp khẳng định du lịch cộng đồng ở đây dựa trên lợi thế có sẵn, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ người dân tận dụng, sáng tạo và phát huy. Ví như việc tìm kiếm rác thải để thu gom, sau đó tái tạo lại các rạn san hô, làm nơi trú ẩn cho sinh vật ở dưới biển. Theo thống kê của doanh nghiệp này, chỉ trong vòng 2 năm (thời điểm COVID-19 giãn cách xã hội), không có sự xâm hại do các hoạt động lặn biển, đơn vị đo được 30% rạn san hô phục hồi.
Trở lại Bích Đầm, đối với công tác làm du lịch cộng đồng để tạo nên sinh kế bền vững cho người dân nhằm bảo vệ vùng lõi vịnh Nha Trang và phục hồi rạn san hô ở đây, Công ty Wonder Word đề xuất những chương trình như: “Nha Trang bừng sáng”, ngắm bình minh đầu tiên ở Nha Trang và tập Yoga; ăn sáng đón bình minh tại biển Nha Trang, hoạt động trồng rừng phủ rộng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường, giảm thiểu C02; hoạt động một ngày làm ngư dân biển khơi; thăm chiến sĩ, nơi biển đảo; chương trình Eco cho người dân, với trường học, Nhà nước, Chính phủ, quốc tế...
“Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ người dân dựa trên thế mạnh của từng người, nhằm đảm bảo ổn định sinh kế bền vững cho từng hộ dân”, anh Nguyễn Vũ khẳng định.
Ngoài ra, các đại biểu, người dân đã chia sẻ và đề xuất nhưng ý kiến liên quan đến: Việc quản lý giữa doanh nghiệp, cơ quan nhà nước với cộng đồng trong thực hiện; điều kiện cơ sở vật chất để đón khách du lịch; khôi phục ngành nghề truyền thống làm mành ốc và tìm đầu ra cho sản phẩm; đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân; ý tưởng thực hiện các chương trình du lịch; phát triển du lịch gắn với trồng rừng ngập mặn; hỗ trợ đưa khách đến Bích Đầm…
Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa cho biết, buổi đối thoại là một nội dung quan trọng của dự án, nhằm xác lập nền tảng sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư tổ dân phố Bích Đầm sống lân cận phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun. Với những ý kiến của người dân, chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, Hội sẽ có những thông tin hữu ích, tiếp tục hỗ trợ thêm cho phụ nữ phát triển sinh kế bền vững sau này.
Đối thoại lần này là một hoạt động thực hiện dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bảo vệ khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa”. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ tại Việt Nam tài trợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa điều phối triển khai từ tháng 8/2023 đến nay.