Lượng khách và doanh thu tăng trưởng mạnh
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 9 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 4,45 triệu lượt khách, tăng 40,8% so với cùng kỳ, khách du lịch nội địa ước đạt 16,66 triệu lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Hà Nội hiện có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.
Trong năm nay, để đổi mới phương thức quản lý cũng như nhằm đa dạng các mô hình, điểm đến hấp dẫn, cũng như điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý, Sở Du lịch đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, tổng hợp các báo cáo lớn về hoạt động phát triển du lịch. Thành phố cũng có chủ trương dừng triển khai Chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên Kênh truyền hình CNN quốc tế.
UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới mô hình, tổ chức, phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức. UBND thành phố bổ sung nhiệm vụ Kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Cùng đó, UBND thành phố ban hành Quyết định công nhận 5 điểm du lịch theo Luật Du lịch 2017 gồm: Điểm du lịch Đảo Ngọc - Trúc Bạch, quận Ba Đình; Di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi Phục; Di tích quốc gia đặc biệt Đền Quán Thánh; Điểm du lịch Kim Lan, huyện Gia Lâm và Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ...
Du lịch đang trên đà phát triển, công tác cấp phép và giải quyết Thủ tục hành chính cũng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và Sở Du lịch cũng đang đổi mới để bắt nhịp nhu cầu. Trong 9 tháng năm 2024, Sở đã tiếp nhận 3.105 hồ sơ, giải quyết xong 3.086 hồ sơ, còn 19 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết.
Về hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên, hiện Hà Nội có 1.813 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 430 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 8 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.
Đa dạng mô hình thu hút du khách
Sở Du lịch Hà Nội đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường du lịch. Sở đã tổ chức xây dựng và công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội” gắn với hành trình tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động của đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh) - làng nghề nón Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa), làng nghề dệt (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức); tổ chức công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, xã Ba Vì, huyện Ba Vì với chủ đề “Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ” gắn với tìm hiểu văn hóa bản địa và nghề làm thuốc Nam của người Dao Quần Chẹt Ba Vì.
Sở cũng có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản - di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội tới phía Tây thành phố; trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” tại các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên năm 2024; triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức.
Sở thực hiện khảo sát để đánh giá lựa chọn điểm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn), xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ), xã Cộng Hòa, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai). Sở cũng triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử…
Sở Du lịch đã xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều sản phẩm tour du lịch đêm đã được đưa vào hoạt động và thu hút đông đảo sự tham gia và đánh giá cao của du khách như: tour Du lịch Đêm Thiêng Liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò; khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học”...; khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, khởi động lại Không gian văn hóa sáng tạo - phố đi bộ Trịnh Công Sơn, tour du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài; tour Tìm về kinh đô người Việt cổ…
Để quảng bá, mở rộng du lịch, Sở Du lịch Hà Nội tham gia các đoàn công tác xúc tiến du lịch tại nước ngoài như: Chương trình quảng bá Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; Đoàn công tác học tập, khảo sát du lịch cộng đồng tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai tổ chức; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Australia và New Zealand.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội vinh dự đón nhận 3 giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Destination); “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Break Destination) và “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination) trao tại Hà Nội. Hà Nội cũng có kế hoạch và tổ chức hội nghị liên kết, phát triển sản phẩm du lịch giữa thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024; thực hiện chương trình “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên”.
Sở Du lịch cũng đã tham dự các chương trình, hội nghị như: Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên và lễ hội hoa ban năm 2024 tại tỉnh Điện Biên; Hội nghị xúc tiến văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang, Việt Nam và châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức; tham dự cuộc họp khu vực dành cho các thành phố thành viên Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TPO) năm 2024 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; tham gia hoạt động quảng bá du lịch trong dịp tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024...
Sở tổ chức các đoàn khảo sát, hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa; Hội nghị xúc tiến, quảng bá và khảo sát một số tuyến, điểm du lịch tại các tỉnh khu vực Miền Tây Nam Bộ; tham gia đoàn khảo sát, xúc tiến kết nối lại hoạt động du lịch và học tập cách thức phát triển du lịch cộng đồng (có dự tham gia của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh - Việt Nam) tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì tổ chức.
Sở cũng đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.
Thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức các chương trình, sự kiện du lịch như: Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hà Nội 2024” và công bố Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ; Chương trình Du xuân hữu nghị 2024 và đặc biệt chương trình Lễ hội quà tặng Du lịch với quy mô lớn đón khoảng 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm. Cạnh đó, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 cũng thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.
Sở Du lịch phối hợp cùng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành hỗ trợ nước uống, sữa và bánh mì phục vụ nhân dân và du khách đến viếng Lăng Bác năm 2024. Thành phố Hà Nội đã tặng 80.000 suất quà gồm nước, sữa, bánh mì cho du khách đến viếng Lăng Bác vào các dịp lễ lớn như: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); Ngày Quốc tế Lao động (1/5); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) và Ngày Quốc khánh (2/9). Đây là một trong những sự kiện thường niên, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm của Hà Nội đối với người dân cả nước và du khách đến thăm Thủ đô; cũng là hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch, góp phần tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.