Xây dựng hệ sinh thái du lịch phát triển bền vững - Bài cuối: Khẳng định thương hiệu du lịch thành phố mang tên Bác

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp mở cửa lại thị trường quốc tế, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch hậu dịch COVID-19, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh hợp tác công tư để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.

Trong đó, Sở Du lịch phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện du lịch kết nối với văn hóa, tạo được điểm nhấn, tăng sức hấp dẫn của điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh với khách du lịch trong và ngoài nước. 

Chú thích ảnh
Các điểm đến tại Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam qua những tiết mục biểu diễn nghệ thuật. 

Gia tăng sức hút với các điểm đến hấp dẫn

Thương hiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ thế giới ngày càng được khẳng định với nhiều giải thưởng uy tín liên tiếp được trao trong năm 2022 như: "Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á", “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á” và "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á" của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTA); điểm đến du lịch nội địa được yêu thích nhất, hấp dẫn nhất khu vực trong mùa du lịch cao điểm hè. Gần đây nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trong hai thành phố của châu Á nằm trong top 15 điểm đến được truy cập nhiều nhất trên thế giới cuối năm 2022.
 
Trong dịp Tết Dương lịch 2023, theo thống kê của các công ty du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh đã đón khoảng 35.000 lượt khách quốc tế, 1,6 triệu lượt khách đến tham quan tại các khu điểm du lịch, 215.000 lượt khách sử dụng các dịch vụ lưu trú, công suất phòng đạt 85% và doanh thu ước đạt 5.943 tỷ đồng. Điểm nhấn trong dịp Tết Dương lịch là sự kiện đón đoàn khách du lịch đầu tiên đến Thành phố Hồ Chí Minh tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, dù là sự kiện thường niên nhưng mỗi năm khác nhau sẽ có những thông điệp truyền tải và ý nghĩa khác nhau, tạo sự hấp dẫn với du khách.

Để có những bước đột phá này, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực huy động nguồn lực phục hồi và phát triển bền vững, cũng như nhiều giải pháp thiết thực tạo đà tăng trưởng cho du lịch thành phố... Song song đó, ngành Du lịch đảm bảo cam kết tiếp tục tạo môi trường, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch thông qua khuyến khích đầu tư xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch phân khúc thị trường khách trung và cao cấp. Cùng với đó, ngành xây dựng, đề xuất một số tour phát triển sản phẩm du lịch đêm để phù hợp với tình hình của địa phương và nhu cầu, thị hiếu của du khách, gắn kinh tế đêm với việc khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Du lịch đã đưa mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của thành phố là một trong những phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và các năm tiếp theo. Ngành sẽ tập trung hoàn thiện, nâng chất điểm đến và chương trình du lịch sẵn có; đồng thời phối hợp cộng đồng doanh nghiệp, quận, huyện và thành phố Thủ Đức xây dựng Bộ sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030. 

Sở Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch liên tịch phát triển điểm biểu diễn nghệ thuật gắn với phục vụ du lịch. Mặt khác, Sở Du lịch tiếp tục liên kết đa ngành triển khai sản phẩm du lịch y tế, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ ẩm thực... hướng đến mục tiêu nâng cao mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách đến thành phố. Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu năm 2023 thu hút 5 triệu lượt khách khách quốc tế; 35 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch ước đạt 160.000 tỷ đồng.

Tiếp thị thương hiệu điểm đến

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa lại du lịch quốc tế, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác công tư, khai thác và phát huy các tiềm năng thế mạnh của thành phố trong năm 2023. Sở Du lịch tăng cường phối hợp các đơn vị tổ chức chuỗi các sự kiện du lịch kết nối với văn hóa để gia tăng sức hấp dẫn của điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh với khách du lịch như: Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch, Hội chợ Du lịch quốc tế, Tuần lễ du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; Lễ hội Khinh khí cầu, Giải marathon quốc tế... 

Ghi nhận từ thực tế, qua nhiều năm tổ chức thường niên với sự đổi mới sáng tạo không ngừng, những chuỗi hoạt động này đã trở thành kênh tiếp thị thương hiệu điểm đến thu hút sự chú ý của khách trong và ngoài nước, kích cầu du lịch nội địa. Đặc biệt, chuỗi sự kiện không chỉ góp phần tạo đà tăng tốc cho ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch đến với người dân địa phương và khách du lịch trong nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. 

Một trong những giải pháp tiếp thị thương hiệu điểm đến đáng chú ý của Sở Du lịch Thành phố là chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” với chủ đề "Sống động từng trải nghiệm". Chương trình đang diễn ra và do Hội đồng chuyên môn là đại diện Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Thành phố; cộng đồng nhà nghiên cứu về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia ở đa dạng lĩnh vực liên quan như ẩm thực, văn hóa, kiến trúc, du lịch, xã hội... đề xuất và thông qua. Chương trình sẽ bình chọn 10 chương trình tham quan Thành phố Hồ Chí Minh thú vị; 10 điểm tham quan thú vị; 10 điểm giải trí thú vị; 10 điểm mua sắm thúc vị; 10 cơ sở lưu trú du lịch thú vị; 10 nhà hàng thú vị, 10 món ngon thú vị... để tạo nên 100 điều thú vị tại Thành phố. 

Chiến dịch quảng bá, xúc tiến truyền thông điểm đến của ngành Du lịch Thành phố còn được thực hiện thông qua chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”, giới thiệu hình ảnh thành phố sống động, đổi mới từng ngày. Trên cơ sở này, quảng bá, xúc tiến truyền thông cho thương hiệu du lịch thành phố trên các báo viết, các kênh truyền hình, phát thanh trong thời gian tới. Trước đó, lần đầu tiên, du lịch thành phố được quảng bá trên kênh truyền thông quốc tế CNN, kỳ vọng công tác quảng bá, xúc tiến của ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lan tỏa đến nhiều thị trường trọng điểm và tiềm năng trên thế giới. 

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngay trong những ngày đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất sắc giành vị trí quán quân về tổng thu từ khách du lịch. Tuy nhiên năm 2023, dự báo du lịch quốc tế của Việt Nam đã có phục hồi nhưng chưa trở lại như mức trước dịch COVID-19 và phải cạnh tranh rất quyết liệt với nhiều quốc gia trên thị trường toàn cầu. Để thực hiện được những chỉ tiêu đã đề ra, ngành Du lịch Thành phố cần chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu; đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng trưởng xanh và bền vững. Trong đó, ngành  tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển sản phẩm, dịch vụ mang bản sắc và đặc trưng của thành phố, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, hướng đến giữ chân khách dài ngày.

"Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nên chú trọng phát huy tính chuyên nghiệp và năng động của cửa ngõ quốc tế và trung tâm du lịch của cả nước. Đồng thời, ngành phải xây dựng và định vị thương hiệu du lịch thành phố trên cơ sở yếu tố là nơi hội tụ văn hóa các vùng, miền, đảm bảo mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị du lịch châu Á", ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Mỹ Phương   (TTXVN)
Xây dựng hệ sinh thái du lịch phát triển bền vững - Bài 3: Hợp tác tạo sức bật thị trường
Xây dựng hệ sinh thái du lịch phát triển bền vững - Bài 3: Hợp tác tạo sức bật thị trường

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, ngành đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với 49 tỉnh, thành thuộc 6 cụm của cả nước, từ đó tạo đà phát triển đối với phân khúc thị trường khách du lịch nội địa, vượt ra khỏi phạm vi địa phương, mang lại sức bật cho du lịch cả nước và nhiều tỉnh, thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN