Khi về công tác tại trường Hy Vọng, cô Thanh Trúc thấy học sinh ở đây thiệt thòi rất nhiều nên cô không ngừng tìm kiếm phương pháp dạy học mới, tạo mọi điều kiện để học sinh ở đây được vui chơi như bao học sinh khác.
Không ngại khó với nhiệm vụ mới
Trường Hy Vọng chỉ vẻn vẹn 49 học sinh với lứa tuổi từ mầm non đến tiểu học, nhưng tất cả học sinh ở đây đều bị khiếm thính, một số em còn bị đa tật nên các giáo viên dạy học ở đây khá vất vả. Dù đã có khá nhiều kinh nghiệm về giảng dạy lẫn quản lý ở bậc tiểu học, nhưng khi về làm hiệu trưởng trường Hy Vọng, mọi thứ đối với cô đều khá mới mẻ và gặp cũng không ít khó khăn.
Khó khăn lớn nhất của cô chính là giao tiếp với trẻ, bởi trẻ ở đây giao tiếp bằng ký hiệu tay và phải chú ý khẩu hình miệng - một loại giao tiếp mà cô chưa từng học qua. Không hề ngại khó khăn với nhiệm vụ mới, cô Thanh Trúc đã tự mình mày mò, học hỏi đồng nghiệp cách dùng ký hiệu ngôn ngữ, âm giọng để giao tiếp, trao đổi với học trò và hòa nhập vào môi trường mới.
"Học sinh ở đây rất dễ mến, các em chỉ tỏ ra khó chịu khi mình nói mà người khác không hiểu. Nếu như ở các trường khác, giáo viên dạy học trò thì về đây học trò dạy lại giáo viên. Khi về trường, tôi được học hỏi rất nhiều từ giáo viên và các em học sinh ở đây về cách giao tiếp bằng ký hiệu ngôn ngữ. Tuy nhiên, để có thể giao tiếp được với trẻ tốt hơn, sau khi kết thúc công việc tại trường, tôi đi học thêm khóa học dạy trẻ chuyên biệt", cô Thanh Trúc chia sẻ.
Không chỉ làm công tác quản lý, cô Trúc còn tham gia dạy học cho trẻ khiếm thính. |
Với mong ước những trẻ khiếm thính ở đây có thể hòa nhập giống như những trẻ em bình thường khác, cô đã không ngừng tìm tòi, mạnh dạn đưa vào sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy lồng ghép phương pháp tiểu học với chuyên biệt để cải thiện khả năng nghe hiểu, phát âm cho học trò.
Chẳng hạn như ở môn hội thoại, các thầy cô và học trò cùng nhau tìm hiểu sự việc thông qua những hình ảnh trực quan sinh động bằng tranh ảnh, trắc nghiệm bằng tranh ảnh, bằng cách tìm hiểu câu hỏi, thi đua đọc... Với phương pháp đó, dần dần khả năng tiếp thu kiến thức, biểu đạt bằng lời nói của trẻ dễ dàng hơn.
"Giáo viên dạy trẻ rất cực, vì khả năng nghe của trẻ rất thấp nên khả năng hiểu của trẻ cũng hạn chế rất nhiều. Do đó, thầy cô ở đây phải tìm mọi cách để trẻ hiểu nên phải bỏ rất nhiều thời gian để suy nghĩ, tìm những biện pháp giảng dạy trẻ dễ hiểu nhất", cô Thanh Trúc cho hay.
Để trẻ không mặc cảm và nghĩ mình bị bỏ rơi, vào những ngày lễ tết, cô lại tìm kiếm liên hệ với mạnh thường quân là những người thân quen, những học trò cũ của mình để tặng quà, sinh hoạt với trẻ; hay cho trẻ tham gia các hoạt động như tham quan bảo tàng, di tích lịch sử cùng với các thầy cô trong trường, các đoàn viên thanh niên của quận, thành phố…
Gắn kết trẻ với gia đình
Đối với cô mỗi học sinh trong trường, cô đều ấn tượng và có kỉ niệm đặc biệt. Để hiểu hơn về cuộc sống của trẻ khi ở nhà, sau mỗi lần họp phụ huynh hoặc sau giờ phụ huynh đón trẻ, cô đều dành thời gian để trò chuyện với từng phụ huynh. Chính vì thế, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh trong trường cô đều biết và chia sẻ khó khăn với phụ huynh.
Cô Thanh Trúc cho biết, những phụ huynh có con gửi tại đây đều có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, phải mưu sinh nên ít có thời gian dành cho con cái. Bên cạnh đó, phụ huynh không có kiến thức về ngôn ngữ nên khi giao tiếp với trẻ, trẻ không hiểu hoặc phụ huynh không hiểu trẻ cho nên khi về nhà trẻ hay tỏ ra bực bội và không hợp tác. Cũng có phụ huynh muốn hiểu con mình hơn nên đi tìm hiểu các lớp học ký hiệu nhưng những lớp học này mở ra không nhiều và cũng không phù hợp với công việc của phụ huynh.
Qua những lần trao đổi với phụ huynh, biết được tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, cô đã cùng với các thầy cô trong trường quyết định mở lớp dạy kí hiệu ngôn ngữ miễn phí cho phụ huynh vào ngày thứ 7 và chủ nhật.
“Khi phụ huynh đi học về, thông qua các kí hiệu ngôn ngữ đã hiểu được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của trẻ tôi thấy rất vui vì các em được gần gũi với người thân và không còn cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi trong chính trong ngôi nhà của mình", cô chia sẻ.
Tuy trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thốn trang thiết bị, nhưng cô Thanh Trúc không nản, không ngại, cố gắng vượt qua cùng tập thể duy trì và phát triển tốt các hoạt động của đơn vị. Trong 5 năm quản lý, chỉ đạo trường Hy Vọng, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Học sinh và giáo viên đạt một số thành tích cao trong các hội thi cấp quận, cấp thành phố. Cô có nhiều sáng kiến hay nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh lĩnh vực chuyên môn, điều trăn trở nhất đối với người làm công tác quản lý chính là làm sao giữ chân được giáo viên gắn bó lâu dài với trường, đặc biệt là ở ngôi trường dạy trẻ chuyên biệt còn nhiều khó khăn và vất vả. Cô Thanh Trúc cho hay, để bù cho giáo viên nghỉ hưu của trường, đã hai năm nay, trường đăng ký tuyển dụng nhưng vẫn chưa tuyển được giáo viên nào.
Với những đóng góp của mình trong sự nghiệp trồng người, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, Bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh. Trong dịp 20/11 này, cô đã vinh dự được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản - một giải thưởng cao quý dành cho nhà giáo.