Trong đó, số chương trình đào tạo kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước là 447 chiếm 75,5%. Số chương trình đào tạo được kiểm định bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài là 145 chiếm 24,49%. Số cơ sở giáo dục được kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước là 10 cơ sở giáo dục chiếm 83,3%; kiểm định bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài là 2 cơ sở giáo dục chiếm 16,7%.
Tính trên toàn hệ thống, hiện nay có 204/239 cơ sở giáo dục đại học đã được kiểm định chất lượng, đạt 85,35%; tổng số có 1.855 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định chất lượng.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Kết quả kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học trong thời gian qua đã phản ánh sự nỗ lực của cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, mạng lưới tổ chức kiểm định cũng được củng cố và phát triển. Trong năm 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận hoạt động đối với 4 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam gồm: ACBSP, ABET, THE-ICE và ACQUIN, nâng số lượng các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam là 10 tổ chức cùng với 7 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đang hoạt động. Các tổ chức này đã có nhiều đóng góp vào hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cũng như đào tạo bồi dưỡng kiểm định viên.
Số lượng các trường đại học được xếp hạng bởi các tổ chức uy tín trên thế giới cũng ngày một tăng. Điều đó cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học đã ý thức rất rõ trách nhiệm kiểm định và coi đây là hoạt động thường xuyên của nhà trường để nâng cao chất lượng, tăng cường hội nhập quốc tế.
Thông qua các hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, hệ thống quản trị, quản lý của nhà trường từng bước thay đổi dẫn đến thay đổi hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; đặc biệt là sự chuyển đổi từ mô hình đào tạo theo năng lực của nhà trường sang đào tạo theo chuẩn đầu ra, tiến tới theo năng lực của người học, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm giải trình với xã hội của các trường.
Qua xếp hạng, kiểm định, các trường cải thiện chất lượng nghiên cứu, định vị được mình đang ở đâu trong bản đồ giáo dục đại học thế giới để phát triển và nâng cao chất lượng. Đây chính là một trong những tác động tích cực đáng kể từ chính sách tự chủ đại học.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số cơ sở đào tạo chưa đảm bảo duy trì các điều kiện khi mở ngành đào tạo, chưa gia tăng số lượng và duy trì nâng cao chất lượng.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có mức đầu tư còn khá khiêm tốn so với nhiều quốc gia khác, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, còn ít các nhà khoa học, giảng viên tốp cao thế giới, khu vực. Trong khi đó, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học tầm cỡ đòi hỏi đầu tư lớn cả về nhân lực và cơ sở vật chất, quản trị tiên tiến. Vì vậy, trong thời gian tới, cần huy động mọi nguồn lực để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong toàn hệ thống.
Ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh: Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là quá trình liên tục, mang tính hệ thống, bao gồm các chính sách, cơ chế, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng, hướng đến người học và xã hội. Các trường cần lấy cải tiến chất lượng liên tục làm trọng tâm; ưu tiên, huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng quy định để cải tiến chất lượng, đảm bảo xếp hạng đại học thực chất.