“Trong bối cảnh mới, mục tiêu hướng tới của trường là xây dựng và phát triển thành đơn vị tiên phong trong đổi mới sáng tạo, trong đào tạo, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của vùng và cả nước; phấn đấu đưa Đại học Cần Thơ thuộc nhóm các trường đại học hàng đầu khu vực châu Á và thế giới ở một số lĩnh vực vào năm 2025” - Thông tin trên được Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định tại Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Đại học Cần Thơ, tổ chức ngày 31/3.
Theo Giáo sư Hà Thanh Toàn, các xu hướng của giáo dục đại học đã và đang định hình là tập trung vào chất lượng đào tạo, quốc tế hóa trong đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ và phát triển cộng đồng, số hóa. Một trong những thuận lợi lớn của Đại học Cần Thơ để thực hiện được định hướng này là trường có truyền thống hơn 50 năm gắn bó chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có thế mạnh về hợp tác quốc tế...
Hiện Đại học Cần Thơ được các tổ chức quốc tế xếp hạng cao. Nhiều năm liền thuộc nhóm 5 trường tốt nhất Việt Nam (theo xếp hạng của Webometrics); nhóm 500 trường tốt nhất châu Á (theo xếp hạng của QS). Đặc biệt, trong năm 2020, lần đầu tiên lĩnh vực nông nghiệp của Đại học Cần Thơ (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi – thú y, thủy sản) được xếp vào nhóm 251-300 của thế giới. Đây là thứ hạng cao nhất trong các lĩnh vực này đối với các trường đại học của Việt Nam.
Riêng trong hợp tác quốc tế, Đại học Cần Thơ đang hợp tác với hơn 130 viện, trường và tổ chức trên thế giới. Trường đã tranh thủ được một số dự án lớn như Chương trình nâng cấp Khoa Nông nghiệp từ viện trợ của Chính phủ Nhật Bản (khoảng 23 triệu đô la Mỹ); Chương trình MHO của Chính phủ Hà Lan (khoảng 13 triệu đô la Mỹ); Chương trình VLIR của Chính phủ Bỉ (khoảng 7 triệu Euro); Chương trình Trung tâm Học liệu của Tổ chức Atlantic Philanthropy (khoảng 9 triệu đô la). Đặc biệt, Dự án nâng cấp trường Đại học Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản với tổng kinh phí khoảng 105 triệu đô la Mỹ, tập trung vào 3 lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường, đang được triển khai.
Ngày 31/3/1966, với nhiều cuộc vận động của nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Đại học Cần Thơ chính thức được thành lập. Sau ngày 30/4/1975, Viện Đại học Cần Thơ được đổi tên thành Trường Đại học Cần Thơ. Đến nay, Đại học Cần Thơ là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực và là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ trọng điểm của nhà nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trường hiện có 1.815 viên chức, người lao động, trong đó có 15 giáo sư, 141 phó giáo sư, 508 tiến sĩ, 720 thạc sĩ; có 99 ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, 52 ngành/chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 19 ngành trình độ tiến sĩ với tổng số gần 48.000 sinh viên và học viên. Đại học Cần Thơ đã đào tạo cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước 207 tiến sĩ, 11.550 thạc sĩ, 198.663 giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân trình độ đại học và 1.220 cử nhân trình độ cao đẳng thuộc nhiều lĩnh vực.