Thủy Nguyên là một huyện lớn, nằm về phía Bắc của thành phố Hải Phòng, nơi có dòng sông Bạch Đằng lịch sử, nơi được gọi là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với truyền thống hiếu học và học giỏi.
Nối tiếp truyền thống đó, ngành giáo dục huyện Thủy Nguyên không ngừng lớn mạnh và đóng góp một phần lớn vào thành tích chung của giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Hải Phòng.
Sau ngày giải phóng, huyện chỉ có vài trường tiểu học, nhưng đến nay, toàn huyện đã có 40 trường mầm non, trường tiểu học, 36 trường THCS, 9 trường THPT, 1 trung tâm GDTX, 1 trung tâm dạy nghề và 37 trung tâm học tập cộng đồng. Tổng cộng có 162 cơ sở giáo dục với trên 63.000 học sinh các cấp. Từ chỗ phải tập trung xóa mù chữ, huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1991, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 1998, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS năm 2001 và cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục THPT và nghề năm 2007.
Lễ biểu dương khen thưởng học sinh giỏi cấp thành phố tại đền thờ Trạng nguyên Lê Ích Mộc. |
Đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục huyện Thủy Nguyên không ngừng tăng lên về số lượng và đạt yêu cầu chuẩn hóa. Tính riêng khối các trường mầm non, tiểu học, THCS, huyện Thủy Nguyên hiện có 3.802 người; trong đó có 3 nhà giáo ưu tú, 3 thạc sĩ, 1.648 GV có trình độ đại học, 1.419 đảng viên… Cơ sở vật chất trường học có bước tiến đáng kể. Phần lớn các trường học đều khang trang, sạch đẹp. Đến nay, Thủy Nguyên có 55 trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều nhất thành phố. Chất lượng giáo dục và đào tạo đã có chuyển biến tốt. Đội tuyển học sinh giỏi THCS huyện Thủy Nguyên là một trong những đội tuyển đứng đầu khối huyện toàn thành phố.
Chính vì thế, giáo dục và đào tạo huyện Thủy Nguyên từ một đơn vị trung bình trong những năm 90 của thế kỷ trước, đã vươn lên đứng trong tốp đầu của ngành GD-ĐT Hải Phòng, 2 lần được tặng cờ thi đua xuất sắc nhất của UBND thành phố và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đó là thành quả từ công sức của các thầy cô giáo, của các nhà trường; đồng thời cũng là kết quả từ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, những đóng góp to lớn của các ban, ngành, các tổ chức xã hội tới sự nghiệp GD-ĐT huyện nhà.
Phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, các thầy cô giáo trong toàn ngành GD-ĐT huyện không ngừng đổi mới tư duy giáo dục, thường xuyên tự rèn luyện về mọi mặt, nhất là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức. Đồng thời tăng cường đổi mới về nội dung và phương pháp quản lý trong các trường học, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy cao độ tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học; phát huy mạnh mẽ phẩm chất cao quý của nhà giáo Việt Nam, đấu tranh không khoan nhượng trước những tiêu cực trong giáo dục. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn của ngành, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, nhanh chóng trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT, góp phần đưa sự nghiệp GD-ĐT của huyện tiến kịp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Để có được thành công trong công tác nâng cao chất lượng GD-ĐT, ngoài sự cố gắng nỗ lực của giáo viên, còn cần làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Vì thế, ngành giáo dục huyện Thủy Nguyên cũng rất chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân về vị trí, vai trò của công tác GD-ĐT đối với từng gia đình, từng dòng họ và từng địa phương, khắc phục mọi khó khăn, tăng cường đầu tư, quan tâm nhiều hơn nữa về mặt vật chất cũng như tinh thần làm nguồn động lực để các thầy giáo, cô giáo, các trường học phát huy được nội lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người”. Tham mưu tổ chức hoạt động khuyến học ở địa phương, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng quỹ khuyến học từ cấp cơ sở tới cấp huyện. Tiếp tục củng cố, đẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn. Trọng tâm nhất là tập trung vào việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho các thầy cô giáo và các em học sinh thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới này và các năm tiếp theo, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho huyện và thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa ngày nay.
Với tâm thế tưng bừng phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới, ngành GD-ĐT huyện Thủy Nguyên quyết tâm tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ thị của Bộ và kế hoạch chỉ đạo của Sở, để ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
T.H