Tốt nghiệp sư phạm Vật lý Trường Đại học Cần Thơ năm 1988, thầy Lưu Minh Trúc Nam ra trường với tấm bằng loại ưu và một khí thế hừng hực muốn cống hiến. Thầy xung phong và được tổ chức sắp xếp đứng lớp tại một trường Trung học Cơ sở vùng sâu, vùng xa huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Công tác tại đây một thời gian, thầy lại được tổ chức điều về Cần Thơ và gắn bó cùng Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm cho tới hiện tại.
Thầy gắn bó với ngôi trường này đến nay đã 35 năm. Từ lâu, thầy coi đây là nhà, đồng nghiệp là người thân, học trò là con, cháu của mình, thầy Trúc Nam cười hiền chia sẻ. Xuất phát từ tình yêu mến đặc biệt ấy, trong suốt 1/3 thế kỷ, thầy Trúc Nam đã như con tằm miệt mài nhả tơ, dệt nên biết bao thành tích cho Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm nói riêng và ngành Giáo dục thành phố Cần Thơ nói chung.
Nói về thành tích trong sự nghiệp giảng dạy của thầy Lưu Thanh Trúc Nam - Tổ trưởng tổ bộ môn Lý - Công nghệ của trường, thầy Trương Vĩnh Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm cho biết, trong bề dày thành tích của thầy Nam, vinh dự và tự hào nhất đối với cá nhân thầy cũng như tập thể nhà trường có thể kể đến các mốc son như: Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú" năm 2021, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022, nhiều năm liền nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND thành phố…
Lý giải cho “bảng vàng” thành tích dày đặc đó của thầy Trúc Nam, thầy Trương Vĩnh Khoa cho biết, thầy Nam có kiến thức chuyên môn vững vàng, đảm nhiệm chính về đào tạo, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý của nhà trường, của thành phố tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Thầy Trúc Nam cũng là hạt nhân trong huấn luyện, đào tạo đội ngũ giáo viên kế cận của nhà trường. Trong quá trình trực tiếp đứng lớp giảng dạy, thầy Trúc Nam luôn tìm tòi, sáng tạo cách dạy học thu hút học sinh. Đó là những buổi ngoại khóa, giờ thực hành, kết hợp thuyết trình, sinh hoạt nhóm… giúp học sinh vừa hiểu bài, vừa hào hứng với môn học.
Tiêu biểu, khi học sinh học về chủ đề năng lượng, công nghệ… thầy Trúc Nam đề xuất kế hoạch và trực tiếp dẫn các em đi thực tế tại nhà máy Nhiệt điện Ô Môn, điện gió Bạc Liêu, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, Khu công nghiệp kỹ thuật cao Củ Chi… Sau mỗi chuyến đi thực tế đó, khi về lại trường, các em được thầy cô hướng dẫn làm bài thu hoạch. Bạn nào có thắc mắc sẽ được giải đáp cặn kẽ hoặc có ý tưởng sáng tạo gì thầy cô sẽ hỗ trợ phát triển.
Riêng môn công nghệ, các em còn được tạo môi trường, điều kiện để có những sản phẩm kết hợp giữa vật lý và sinh học. Vừa qua, học sinh của trường đã thực hiện mô hình vườn rau sạch. Các em được thầy cô hướng dẫn cách gieo hạt, phương thức trồng thủy canh, diệt sâu bọ tự nhiên không cần dùng hóa chất… Đến khi thu hoạch các em được tổ chức một buổi chợ phiên, với sự tham gia mua hàng của phụ huynh. Số tiền thu được sẽ phân phối lại để các em có tiền “tái đầu tư” mua hạt giống, dụng cụ; số tiền còn lại dùng làm quỹ khen thưởng cuối năm. Với các hình thức học tập này, học trò không còn sợ các môn khoa học khô cứng, ngược lại vô cùng say mê và hào hứng.
Hơn thế nữa, trong quá trình học và hành xen kẽ như vậy, thầy Trúc Nam còn chủ trương để các giáo viên bộ môn cho điểm, đánh giá việc học của học sinh. Nhờ đó, điểm số của các em được đa dạng hóa hình thức đánh giá, không bó hẹp trong vài buổi kiểm tra tập trung. Kết quả, phong trào học tập môn Vật lý nói riêng, các môn khoa học nói chung của Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm vô cùng sôi nổi. Nhờ cọ sát thực tế và được thầy cô chỉnh sửa, định hướng nên các em liên tục gặt hái thành quả. Nhiều giải Nhất, Nhì các cuộc thi cấp thành phố, cấp quốc gia đã thuộc về học sinh Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm.
Ngày 11/12 vừa qua, ông Sam Wood - Phó Tổng Lãnh sự Anh đã đến dự và tham quan Ngày hội STEM tại Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm. Tại Ngày hội, các em trưng bày và thuyết trình bằng tiếng Anh những mô hình về động cơ điện, máy phát điện, năng lượng mặt trời… đoạt giải cao trong các cuộc thi. Các sản phẩm triển lãm là kết quả từ sự tìm tòi học hỏi của học sinh, sự định hướng, sửa chữa của giáo viên, sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ học bổng Chevening (Vương quốc Anh).
Ngày hội cho thấy sự tiệm cận về kết quả cũng như mô hình dạy và học của nhà trường so với các mô hình tiên tiến trên thế giới. Học sinh năng động, tự tin, kiến thức chuyên ngành vững vàng. Để có được kết quả này, công sức đóng góp của những “cây đa cây đề” như thầy Lưu Minh Trúc Nam là yếu tố tiên quyết, thầy Trương Vĩnh Khoa nhấn mạnh.
Là một giáo viên trẻ, lực lượng được trao trọng trách kế thừa khi thế hệ nhà giáo như thầy Lưu Minh Trúc Nam nghỉ hưu, cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên bộ môn Vật lý tự hào chia sẻ, những năm qua, tổ bộ môn đoạt rất nhiều giải, Giải Nhì hội thi sáng tạo Thanh thiếu niên cấp thành phố, được cử đi thi cấp quốc gia. Người có công lớn nhất tạo dựng nên những thành tích đó chính là thầy Lưu Minh Trúc Nam. Sau nhiều năm trực tiếp dìu dắt học sinh giỏi, hiện nay, thầy chuyển sang hướng dẫn, truyền nghề cho lớp giáo viên kế cận. Thầy thành lập nhiều câu lạc bộ hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên trẻ, quyết liệt trong công tác chuyển đổi số từ những việc rất nhỏ như: tạo lập nhóm Zalo trao đổi nghiệp vụ, chuyển đổi 100% qua giáo án điện tử… Nhờ đó, các giáo viên có thể được kết nối và hỗ trợ khi cần một cách nhanh nhất.
Thầy Trúc Nam còn thường xuyên đứng lớp các buổi tập huấn, truyền lửa nghề cũng như kinh nghiệm cho giáo viên trẻ. Đặc biệt, từ khi nhà trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đòi hỏi giáo viên phải dạy được các môn tích hợp như Khoa học Tự nhiên… vai trò đầu tàu và sáng tạo của thầy Trúc Nam lại càng hiện rõ.
Cụ thể, ở khối lớp 6,7, khi lượng kiến thức tổng hợp còn nhẹ, thầy Trúc Nam thường xuyên thông qua các buổi tập huấn chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho giáo viên, đảm bảo việc truyền thụ kiến thức môn tích hợp đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với khối lớp 8,9, thầy đề xuất lên Ban Giám hiệu, linh hoạt các giải pháp, trong đó ưu tiên để giáo viên dạy chuyên sâu một môn trong bộ môn tích hợp. Điều này vừa giảm tải áp lực cho giáo viên, vừa giúp học sinh được học tập với nhiều giáo viên chuyên môn hơn, đảm bảo kết quả học tập tốt, tự tin bước vào kỳ thi vượt cấp đầy cam go.
Dự giờ một tiết học Vật lý do cô Nguyễn Thị Hằng đứng lớp, thầy Trúc Nam nói rằng, bản thân mình đã hoàn toàn hài lòng và yên tâm chờ đến ngày được nhà nước cho nghỉ hưu. Giáo viên trẻ và học sinh ngày nay nhìn chung đều rất năng động, cầu tiến, ý thức được tầm quan trọng của việc cập nhật kiến thức và công nghệ. Là thế hệ khai phá và tạo nền móng, tận mắt thấy những trái ngọt, thầy Trúc Nam vô cùng mãn nguyện. Tiến bộ của học sinh - đó mới là mục tiêu thầy theo đuổi trong cả sự nghiệp trồng người của mình.
Chia sẻ riêng về tổ ấm nhỏ của mình, ánh mắt thầy Lưu Minh Trúc Nam dường như ngời sáng hơn, giọng nói đầy viên mãn, vợ thầy là cô Nguyễn Thị Thu Lan, nguyên là giáo viên Trường Trung học Phổ thông Phan Ngọc Hiển (quận Ninh Kiều) vừa về hưu sau 30 năm dạy học. Quả ngọt lớn nhất nghề giáo mang lại cho hai vợ chồng đó là một nếp nhà chỉn chu, các con hiếu thảo và học giỏi. Con gái lớn sinh năm 1997 đã tu nghiệp nước ngoài trở về, hiện làm việc tại Lãnh sự quán Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh, cậu con trai út sinh năm 2004 hiện đang theo học chương trình đại học tại Hoa Kỳ. Với thầy, cuộc đời như vậy đã cho thầy quá đủ đầy và hạnh phúc.