Vượt qua 125 mô hình, mô hình “Robot phân loại tác thải sử dụng công nghệ AIOT” thuộc lĩnh vực Tin học - điện tử của nhóm tác giả Nguyễn Phương Anh (lớp 10 Pháp, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi, thành phố Hải Dương), Tạ Đức Hiển (lớp 6B, Trường Trung học Cơ sở Phan Bội Châu, Tứ Kỳ), Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Sáng Bảo Châu Trường Tiểu học Đại Đồng, Tứ Kỳ) đã giành giải Nhất. Sản phẩm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tự động phân loại rác thải qua phần mềm nhận diện giọng nói, nhận diện hình ảnh; từ đó, giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc phân loại thủ công và tăng cường hiệu suất quản lý rác thải.
Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 5 giải Nhì, 10 giải Ba, 20 giải Khuyến khích cho các nhóm tác giả có sản phẩm xuất sắc.
Được phát động vào tháng 9/2023, Cuộc thi thu hút sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của các học sinh trong toàn tỉnh với 126 mô hình, sản phẩm tham gia. Những mô hình, sản phẩm đoạt giải đều có tính mới, có khả năng áp dụng, mang lại hiệu quả xã hội và kinh tế.
Các mô hình, sản phẩm gửi dự thi chia thành 5 lĩnh vực, gồm: 39 mô hình, sản phẩm lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; 22 mô hình, sản phẩm đồ dùng dành cho học tập; 18 mô hình, sản phẩm lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường; 33 mô hình, sản phẩm lĩnh vực phần mềm Tin học - điện tử; 14 mô hình, sản phẩm về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Tỉnh đã chọn một số mô hình, sản phẩm gửi dự thi toàn quốc. Kết quả, mô hình, sản phẩm “Sáng tạo, bảo tồn sắc màu văn hóa 54 dân tộc Việt Nam bằng gỗ, vải vụn và tranh vẽ” thuộc lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường của nhóm tác giả Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Chí Linh đã giành giải Ba toàn quốc.
Đánh giá cho Ban tổ chức cho thấy, số lượng, chất lượng các mô hình, sản phẩm gửi dự thi năm nay cao hơn năm trước. Hàm lượng sáng tạo trong mỗi mô hình, sản phẩm được nâng lên, hướng tới những vấn đề cụ thể, gần gũi với thanh, thiếu niên, nhi đồng trong cuộc sống hàng ngày. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Có 3 đơn vị dẫn đầu về số lượng sản phẩm tham gia và chất lượng giải lần lượt là: huyện Kim Thành, huyện Tứ Kỳ và thành phố Chí Linh.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Ngọc Linh cho rằng, để cuộc thi tiếp theo đạt hiệu quả hơn, tỉnh Hải Dương xem xét đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động; tổ chức giao lưu giữa những tác giả đoạt giải, tạo nên một cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học trong lứa tuổi học sinh. Đồng thời; Ban Tổ chức cung cấp thêm tài liệu cho các học sinh ngay từ khi có ý tưởng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyên Minh Hùng, qua 18 lần tổ chức, Cuộc thi đã trở thành sân chơi thúc đẩy phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo; khẳng định tiềm năng sáng tạo khoa học kỹ thuật trong lứa tuổi học sinh Hải Dương. Thời gian tới, các thầy cô, phụ huynh, các tổ chức và doanh nhân tiếp tục dành nhiều sự quan tâm giúp đỡ các học sinh Hải Dương trau dồi kiến thức, theo đuổi ước mơ sáng tạo để trở thành những nhà sáng chế trong tương lai. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên, các sở, ngành địa phương khắc phục những hạn chế trong triển khai Cuộc thi; đề xuất giải pháp nâng cao phong trào sáng tạo. Các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Cuộc thi. Các tổ chức Đoàn, Đội, nhà trường đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, sáng tạo trong học sinh…
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Hải Dương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương do có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc thi.
Tại chương trình, Ban tổ chức đã phát động Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ 19 (2024 - 2025).