Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO, chia sẻ tin vui đầu xuân Giáp Thìn, cho biết đây không chỉ là niềm tự hào đối với Việt Nam mà còn là sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực xuất sắc của các thành phố trong quá trình thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người dân ở địa phương. Sự kiện cũng thể hiện những bước triển khai cụ thể chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nền giáo dục và nguồn nhân lực.
Về phần mình, Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao, Ủy viên Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đánh giá đây là kết quả của việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây cũng là thành quả của sự quyết tâm, nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cũng như sự đóng góp quan trọng của người dân địa phương.
Như vậy cho tới nay, Việt Nam có tổng số 5 thành phố được công nhận là thành viên “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu”. Trước đó, năm 2020, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp và thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã vinh dự được công nhận là thành viên Mạng lưới này và năm 2022, Việt Nam có thêm thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được công nhận là thành viên Mạng lưới.
Quá trình xét duyệt hồ sơ được UNESCO tiến hành hết sức chặt chẽ, do các chuyên gia độc lập hàng đầu về giáo dục tiến hành căn cứ trên 42 tiêu chí liên quan đến việc xây dựng một thành phố học tập suốt đời. Để được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”, các thành phố phải cam kết tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của mọi người dân. Đổi lại, việc tham gia “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” sẽ giúp cho các thành phố và người dân địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động gồm 356 thành phố trên toàn thế giới. Các thành phố cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình xây dựng thành phố học tập, được ứng cử Giải thưởng thành phố học tập của UNESCO... Những điều này mang lại cơ hội hết sức to lớn cho các thành phố trong tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác và các mạng lưới kết nối của mình nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân, nâng cao uy tín quốc tế, tăng khả năng thu hút đầu tư..., qua đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của các thành phố nói riêng và của đất nước nói chung.
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về Thành phố học tập được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là nơi tập hợp những điểm sáng trong hợp tác quốc tế, đoàn kết các thành phố ủng hộ các sáng kiến học tập suốt đời. Cho tới nay, mạng lưới đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững trên khắp thế giới thông qua học tập suốt đời ở cấp địa phương.
Với sự xuất hiện của những thành viên mới lần này, mạng lưới hiện có 356 thành phố tại 79 quốc gia với trên 390 triệu dân được hưởng lợi từ các cơ hội học tập suốt đời. Cùng nhau, các thành phố này chia sẻ nguồn cảm hứng, trao đổi kiến thức chuyên môn và các phương pháp hay nhất, vạch ra con đường hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, toàn diện và hòa nhập hơn cho tất cả mọi người.