Theo chương trình GDPT mới học sinh sẽ được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện năng lực, phẩm chất, kĩ năng cho học sinh, đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình, xã hội. So với chương trình GDPT hiện hành, chương trình mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới, nhưng trong chương trình mới có thêm 2 môn học mới là ngoại ngữ-tin học và công nghệ.
Nhìn nhận về việc tổ chức 2 buổi/ ngày trong chương trình GDPT mới ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc tổ chức 2 buổi/ngày là một trong những thách thức đối với một số địa phương có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, việc bổ sung giáo viên tin học, tiếng Anh là thách thức không nhỏ cho các địa phương, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay.
Tại TP Hồ Chí Minh, tình hình dân số cơ học tăng, kéo theo nhu cầu học tăng cao. Trong năm học 2018 -2019 học sinh tiểu học tăng hơn 42.000 học sinh, tập trung các quận Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh… Việc học sinh liên tục tăng cao đã gây áp lực về sĩ số, cơ sở vật chất, giáo viên cho ngành giáo dục thành phố. Trong năm học qua, dù thành phố đã đưa vào sử dụng nhiều phòng học mới nhưng số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày chỉ đáp ứng được 70,6% giảm 3,4 % so với năm học trước.
Trước thực trạng này, bà Huỳnh Thị Kim Trang, phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, công tác đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại một số quận, huyện có dân số tăng cơ học đông là rất khó và cũng khó thực hiện được 100% dạy 2 buổi/ngày theo chương trình GDPT mới.
“Ngoài ra, học sinh đông còn gây áp lực lên đội ngũ giáo viên. Theo chương trình GDPT mới là 1,5 giáo viên/lớp nhưng hiện nay định biên giáo viên thành phố vẫn chưa đáp ứng đủ, chỉ đảm bảo định biên 1,3 giáo viên/ lớp”, bà Trang cho biết thêm.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai cũng chịu áp lực lớn về sĩ số học sinh, trong năm học 2019 số học sinh tiểu học tăng hơn 6000 so với năm học trước, sĩ số trung bình 42 - 46 học sinh/lớp. Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, hàng năm thành phố xây dựng thêm 3- 4 trường học nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu học tập học sinh trên địa bàn, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày mới chỉ đạt 11,9%.
Để tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, ông Thái Văn Tài cho rằng các địa phương cấp tỉnh cần chỉ đạo địa phương cấp huyện tập trung, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án xây dựng trường lớp nhằm đáp ứng đủ phòng học theo lộ trình thực hiện sách giáo khoa. Tổ chức kiểm tra, khảo sát một số địa phương khó khăn để tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện.
Chuẩn bị cho triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 1, TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt việc bổ sung đội ngũ giáo viên, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học. Theo bà Huỳnh Thị Kim Trang, năm học 2019 - 2020 thành phố đã xây thêm 8 trường tiểu học, đồng thời đề xuất với UBND TP bố trí thêm giáo viên. Một số đơn vị cũng có kế hoạch lộ trình sáp nhập các cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý đội ngũ quản lý, giáo viên.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đảm bảo cơ sơ vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT mới giai đoạn 2017 - 2025, trong đó giai đoạn 2017-2020 đối với tiểu học đã được phê duyệt và phân bổ về các địa phương đầu tư xây dựng 5.900 phòng học thay thế phòng tạm thời; xây dựng bổ sung 6.000 phòng học; 7.770 phòng chức năng; 3.420 phòng thư viện.
Tại buổi tập huấn Hướng dẫn dạy học lớp 1 theo chương trình GDPT mới cho các tỉnh phía Nam diễn ra mới đây, ông Thái Văn Tài cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ về đề xuất định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện. Qua đó Bộ Nội vụ đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh/thành rà soát bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục để có phương án bổ sung trong thời gian tới.