Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thông tin, năm 2025, Trường dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tăng số phương thức xét tuyển đầu vào từ 5 phương thức lên 6 phương thức.
Trước đây, bên cạnh việc xét tuyển thẳng và xét tuyển ưu tiên, trường chia đều chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực của các trường: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, trường dành chỉ tiêu nhất định cho xét học bạ.
Với việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, chỉ tiêu dành cho các phương thức trên sẽ giảm để dành chỉ tiêu cho phương thức mới.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển dành cho điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. Năm 2024, số thí sinh đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là 11.500, tăng 2,5 lần so với năm ngoái.
Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin, dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT 2025.
Theo đó, với Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp dự kiến giảm từ 50% xuống còn 40%, tăng chỉ tiêu các phương thức còn lại. Đại học sử dụng chủ yếu 2 tổ hợp là A00 (Toán, Lí, Hóa) và A01 (Toán, Lí, Anh) để tuyển sinh. Dự kiến, năm 2025, số lượng thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp bằng 2 tổ hợp này giảm hoặc không cao, nên nhà trường dự kiến bổ sung một số tổ hợp để tuyển sinh phù hợp với thực tế. Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến mở rộng điểm tổ chức thi đánh giá tư duy, thí sinh vùng sâu vùng xa vẫn có thể thuận lợi tham gia kì thi này để xét tuyển.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ giảm từ 18% của năm nay xuống còn 15% vào năm tới. 5 năm trước, tỷ lệ này là 70%. Phương thức xét tuyển kết hợp của trường từ năm 2025 sẽ tăng từ 80% lên 83%. Các phương thức này gồm: xét kết quả SAT/ACT, xét kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy độc lập hoặc xét kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. 2% chỉ tiêu còn lại dành cho xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn Ngữ văn, Toán bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ. Sự thay đổi về số môn thi dẫn tới việc tổ hợp môn thi xét tuyển đại học thay đổi theo. Các trường sẽ phải tính toán lại để cân đối các tổ hợp xét tuyển sao cho đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh.