Không điều gì khác ngoài đại dịch COVID-19 đang khiến cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 tới trở nên đặc biệt.
Nếu như trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân trước đây, yếu tố an ninh và chống các âm mưu của thế lực thù địch là vấn đề trọng tâm, thì trong đợt bầu cử giữa đại dịch COVID-19 năm nay, chúng ta phải thực hiện thêm một nhiệm vụ quan trọng khác là phòng chống dịch bệnh – kẻ thù vô hình và nguy hiểm không kém. Nhiệm vụ kép này khiến công tác chuẩn bị bầu cử thêm khó khăn, phức tạp, tốn kém và buộc chúng ta phải thích ứng với điều kiện mới.
Dù chưa tới ngày hội toàn dân, nhưng với những cán bộ phụ trách tại các tổ bầu cử cũng như nhiều cử tri trên khắp đất nước, họ đã hình dung phần nào được khung cảnh tại các điểm bầu cử thời COVID-19. Chiếc khẩu trang, bình xịt sát khuẩn, bỏ phiếu giãn cách, kiểm tra y tế… chắc chắn là những điều không thể thiếu tại các điểm bầu cử.
Trước nhiệm vụ chính trị quan trọng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Nội vụ, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Bộ Y tế cũng như các cơ quan liên quan đã có hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị trong ngày bầu cử giữa bối cảnh dịch bệnh để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, thành công.
Theo công điện của Bộ Y tế, tại các địa phương có ca nhiễm COVID-19, mỗi điểm bầu cử phải bố trí một khu vực cách ly tạm thời dành cho người nghi nhiễm; cử tri sử dụng bút, thước riêng và bỏ sau một lần sử dụng; các điểm tổ chức bầu cử phải thông thoáng; cử tri vào-ra theo một chiều; thực hiện bầu cử theo cụm dân cư và theo thời gian; ghi chép thời gian bầu cử của cử tri để tiện truy vết nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19…
Theo tinh thần trên, nhiều tỉnh, thành đã chuẩn bị sẵn kịch bản bầu cử riêng trong tình hình đại dịch với các phương án, hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho cả cán bộ phụ trách tổ bầu cử và cử tri, đặc biệt là cử tri đang thuộc diện cách ly y tế.
Mặc dù tổ chức bầu cử khi đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp là nhiệm vụ không dễ dàng, thậm chí là khó khăn vì chưa ai từng có kinh nghiệm. Chắc chắn sẽ có nhiều tình huống không lường trước được phát sinh trong quá trình thực hiện.
Nhưng “cái khó ló cái khôn”. Nhiều địa phương đã dựa trên chỉ đạo chung để đưa ra những cách thức, quy định sáng tạo, linh hoạt, mới mẻ để tạo điều kiện tối đa cho cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ, đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Tại Bắc Giang, ổ dịch nóng nhất cả nước với trên 300 ca mắc trong đợt dịch mới, ngày bầu cử sẽ không có lễ khai mạc đông người.
Tại Bắc Ninh, tỉnh đứng thứ hai cả nước về số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch lần này với trên 250 ca, công tác chuẩn bị bầu cử cũng chú trọng vấn đề phòng dịch bệnh lây lan. Tỉnh đã có kế hoạch cho từng nhóm đối tượng, cử tri cụ thể.
Tại Đà Nẵng, chiều 16/5, quận Hải Châu đã diễn tập bầu cử tại khu chung cư đang bị phong tỏa do liên quan đến 2 ca mắc COVID-19.
Tại Vĩnh Phúc, cũng là một điểm nóng dịch bệnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã tập huấn phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ bầu cử, trong đó có nội dung các tổ bầu cử sẽ đem hòm phiếu phụ đến tận nhà, kèm theo dụng cụ vệ sinh cần thiết để cử tri cách ly tại nhà bỏ phiếu. Thành viên các tổ bầu cử sẽ được lấy mẫu xét nghiệm trước và sau khi bỏ phiếu.
Trong khi đó, tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh: “Chỉ có kiểm soát được dịch, chúng ta mới có điều kiện để duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trước mắt: Tổ chức thành công cuộc bầu cử ngày chủ nhật 23/5 tới đây”.
Trên thế giới, nhiều cuộc bầu cử vẫn diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh. Suốt 18 tháng xảy ra đại dịch COVID-19, ít nhất 118 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn quyết định tổ chức bầu cử, trong số đó ít nhất 97 nước tổ chức trưng cầu ý dân hoặc bầu cử quy mô quốc gia.
Các nước tổ chức bầu cử đã áp dụng các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh như: cho phép bỏ phiếu sớm, dùng hòm phiếu di động, bỏ phiếu qua thư, lập khu vực bỏ phiếu riêng cho người mắc COVID-19, tổ chức điểm bỏ phiếu riêng cho nhóm nguy cơ cao, cho phép cử tri ngồi trên ô tô bỏ phiếu…
Có thể nói loài người sẽ phải học cách sống chung với SARS-CoV-2 và chủ động kiểm soát nó, vì nhiều khả năng virus này sẽ không biến mất và sẽ liên tục biến đổi. Khi virus này cơ bản đang nằm trong tầm kiểm soát như ở Việt Nam hiện nay, việc tổ chức thành công cuộc bầu cử mà vẫn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan rộng là khả thi, miễn là toàn bộ hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay hành động.
Có như vậy, thông điệp “Bầu cử trách nhiệm – Chống dịch toàn diện” sẽ được lan tỏa trong quá trình chuẩn bị bầu cử, góp phần lớn trong tổ chức thành công “ngày hội non sông”.