Quả là một kỷ lục và hậu quả của nó sẽ thật khó lường. Vẫn biết, sự cố dù lớn mấy rồi cũng được khắc phục. Nhưng phải thấy rõ một sự thật chua xót rằng, mỗi lần đường ống vỡ, là từng ấy lần hàng tỷ đồng vốn bị trôi theo đường ống. Số tiền đó lấy từ đâu? Không thể chấp nhận nếu nó được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước hay tiền bổ vào giá thành mỗi mét khối nước mà người sử dụng nước từ dự án phải gánh chịu.
Khác với các sự cố xảy ra trước đó, sự cố lần này xảy ra đang ở thời điểm thực hiện giai đoạn 2 của Dự án xây dựng đường ống nước Sông Đà do Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) làm chủ đầu tư và vật liệu được sử dụng là ống gang dẻo do Công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) cung cấp.
Xin được ngoắc lại, giai đoạn 2 của dự án được khởi công tháng 10/2015 với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Ngay từ giai đoạn khởi công, thông tin về việc nhà thầu Trung Quốc thắng thầu đường ống nước Sông Đà giai đoạn 2, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều, phần lớn hoài nghi về uy tín cũng như khả năng của nhà thầu công trình. Khi đó, dư luận đã được những người có trách nhiệm của Viwasupco trấn an rằng, ống gang dẻo của nhà thầu này đã được “phủ” khắp thế giới và ở Việt Nam đã có không ít công trình sử dụng loại vật liệu này. Còn nữa, giá trúng thầu của nhà thầu Xinxing (Trung Quốc) thấp hơn những 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt.
Dự án đường ống dẫn nước sông Đà được xem là công trình trọng điểm của Thủ đô và khi hoàn thành (2009) đã được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đóng dấu chất lượng vàng? Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng vận hành, công trình liên tiếp xảy ra sự cố đường ống vỡ. Thời điểm đó, dư luận đã đặt câu hỏi có hay không sự “bắt tay” giữa nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu, đơn vị tư vấn, giám sát? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự cố đó? Cuối cùng, chủ đầu tư là Vinaconex đã phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình; nhưng cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của các nhà thầu liên quan, cụ thể là nhà thầu sản xuất và cung cấp ống dẫn nước, các nhà thầu thi công xây dựng tuyến ống, nhà thầu giám sát thi công xây dựng, đơn vị tổng thầu thiết kế và Ban quản lý dự án.
Về phía UBND TP Hà Nội, cũng không thể phủ nhận sự thiếu kiên quyết trong việc kiểm tra giám sát, giải quyết hậu quả. Giải pháp được UBND thành phố đưa ra là cần triển khai phương án xây dựng đường ống mới (giai đoạn 2) nhằm giải quyết triệt để bài toán cung cấp nước sạch cho 70.000 hộ dân phía tây Thủ đô. Rất tiếc, kết cục giai đoạn 2 cũng chẳng khác là bao so với giai đoạn 1 của dự án hàng nghìn tỷ này. Một loạt nguyên nhân tồn tại từ giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa được làm sáng tỏ và quy trách nhiệm đến cùng, đó là sự cẩu thả, vô trách nhiệm, làm cho xong việc của các đơn vị liên quan. Đơn cử, như trách nhiệm của chủ đầu tư trong lựa chọn các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế ống nước sử dụng vật liệu gang dẻo, yêu cầu kỹ thuật trong quá trình thi công, lắp đặt... cũng bị lấp liếm. Nguy hại hơn, sự cố của công trình tiếp tục gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.
Rất đáng lo ngại nếu đường ống bằng gang dẻo tiếp tục được sử dụng cho công trình. Theo nhận định của chuyên gia ngành xây dựng, một số chỉ tiêu cơ lý không bảo đảm sẽ dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Chất liệu ống dẫn nước bằng gang dẻo tuy được sử dụng ở nhiều nước (Nhật Bản, Hàn Quốc), nhưng ở Việt Nam, do điều kiện địa chất cũng như kinh nghiệm trong thiết kế, thi công còn rất hạn chế, do vậy chất lượng công trình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Thật khó mà bảo đảm dự án đường ống sông Đà sẽ không tiếp tục xảy ra sự cố tương tự? Nếu các cơ quan chức năng không tích cực vào cuộc, thiếu kiên quyết, thì việc xác định nguyên nhân cũng như khắc phục sự cố sẽ tiếp tục rơi vào sự bế tắc và hậu quả tiếp tục là “sự đã rồi”. Hy vọng, sự cố lần thứ 19 dự án đường ống sông Đà sẽ được làm sáng tỏ, xử lý tới đầu tới đũa.