Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chứng kiến Lễ ký một số văn kiện hợp tác song phương. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Hãng thông tấn Interfax cho rằng Việt Nam có truyền thống mua vũ khí từ Nga và điều này sẽ không thay đổi trong thời gian gần. Thế nhưng Interfax dẫn lời một nguồn tin hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật nói rằng Nga “không nên coi nhẹ” việc này.
“Không giống như các nước khác trong khu vực, Hà Nội không đa dạng hóa nhiều các hoạt động mua bán vũ khí. Thế nhưng các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga không nên lơi là. Thực tế mới... là tình trạng cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt” - theo Interfax
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Tass dẫn lời ông Anatoly Punchuk, Phó Giám đốc Cục Hợp tác Quân sự-Kỹ thuật Quốc gia, nói rằng Moskva và Hà Nội có quan hệ đối tác lâu dài và việc Mỹ bỏ cấm vận “không ảnh hưởng xuất khẩu vũ khí của Nga”.
Việt Nam là khách hàng mua vũ khí lớn thứ ba của Nga, theo báo thương mại "Kommersant". Báo này dẫn nguồn Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm cho hay Hà Nội mua 11% tổng vũ khí xuất khẩu của Nga trong giai đoạn 2010-2014.
"Kommersant" nói đây là chủ đề “tế nhị” đối với Moskva. Tờ báo đăng bài có đoạn viết: “Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN mới đây ở Sochi, đoàn Việt Nam đã gắng sức thuyết phục Điện Kremlin rằng không có sự chuyển dịch về hướng Hoa Kỳ và Moskva vẫn là đồng minh chủ chốt”.
Theo "Kommersant", máy bay do thám biển sẽ là một trong những mặt hàng Việt Nam mua đầu tiên từ Mỹ. Mới đây, Boeing và Lockheed Martin đã tham gia hội thảo về vũ khí do Việt Nam tổ chức.
Tuy nhiên, đang có các chỉ dấu rằng Hà Nội muốn thay đổi cách hợp tác với Moskva. Trong một phỏng vấn với tờ báo "Rossiiskaya Gazeta" của Chính phủ Nga, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói rằng hai nước cần “tiếp tục đẩy mạnh và củng cố hợp tác quốc phòng-kỹ thuật”. Chủ tịch Trần Đại Quang được dẫn lời nói điều này có nghĩa tiến lên một nấc mới trong hợp tác, “từ mua bán vũ khí sang chuyển giao công nghệ và liên doanh, tới dịch vụ và hiện đại hóa trang thiết bị quốc phòng”.
Báo “Nezavisimaya” thì cho rằng Đại sứ Việt Nam tại Moskva cũng đánh động dư luận bằng cách ám chỉ rằng Việt Nam sẽ có khả năng cho Nga quay trở lại Cảng Cam Ranh mà hải quân Nga rút khỏi từ năm 2002.
Trong khi đó, tờ “Rossiiskaya Gazeta” lại tỏ ra hoài nghi về cử chỉ của Mỹ. Báo này viết: “Xin được đưa ra lời khuyên với các nhà lãnh đạo các nước. Nếu quý vị muốn Barack Obama hiền hòa hơn, nếu quý vị muốn Nhà Trắng bỏ cấm vận thì cần mau chóng đối thoại với Moskva. Quý vị chỉ cần nói muốn có quan hệ thương mại sâu rộng hơn với Nga là lập tức Washington sẽ thay đổi giọng điệu. Tốt hơn nữa là hãy nói quý vị mong Nga lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của quý vị”.