Hiện nay, ngành công nghiệp ứng dụng của Việt Nam đang chứng kiến tăng trưởng đáng kể, với sự hỗ trợ của Chính phủ, dân số trẻ và am hiểu công nghệ, cùng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao. Theo báo cáo của Statista, Việt Nam đứng thứ tư trên toàn cầu về lượt tải xuống ứng dụng, với trung bình 10.000 lượt tải mỗi phút và người dùng dành bốn giờ mỗi ngày cho các ứng dụng.
Trong đó, Việt Nam tự hào có 1.500 nhà phát hành ứng dụng, với nhiều cái tên đạt được thành công quốc tế ở các danh mục phổ biến, đặc biệt là ứng dụng trò chơi. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 11% và dự kiến đạt 1,7 tỷ đô la vào năm 2029, Việt Nam mang đến mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp ứng dụng mở rộng phạm vi tiếp cận ra thế giới.
Tuy nhiên, bà Nana Phan, đại diện công ty Yandex Ads tại Đông Nam Á cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu kiến thức, nguồn lực và đào tạo cần thiết để tận dụng những cơ hội làm gia tăng nguồn thu từ các ứng dụng. Kết quả từ khảo sát "Xu hướng và thách thức trong gia tăng doanh thu từ ứng dụng tại Việt Nam" của đơn vị cho thấy, có 64% nhà phát hành ứng dụng cảm thấy họ không có đủ đào tạo hoặc nguồn lực để thực hiện gia tăng doanh thu, phần lớn dựa vào thông tin tự học hoặc trên mạng internet…
Vì vậy, để gia tăng doanh thu từ các ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào công tác đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân viên, người lao động để tối ưu quá hiệu suất của ứng dụng; tích cực tạo ra các ứng dụng mới có nhiều tương tác, hiệu quả dành cho người dùng.
Ngoài ra, để tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng mà không ảnh hưởng đến tiềm năng gia tăng doanh thu, các nhà phát hành nên cân nhắc các yếu tố như: Bản địa hóa giúp ứng dụng gần gũi hơn với người dùng trong nước; điều chỉnh ngôn ngữ, giao diện và nội dung theo văn hóa địa phương giúp tăng cường khả năng tiếp cận và giữ chân người dùng; đa dạng hóa các loại dịch vụ trong ứng dụng để thu hút các phân khúc người dùng khác nhau, từ đó gia tăng nguồn doanh thu.
Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, để mở rộng ứng dụng và tăng trưởng doanh thu, điều đầu tiên là doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược bền vững với các bên liên quan và đối tác kinh doanh thông qua những chính sách và quy định minh bạch. Việc các doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên hợp tác với các công ty công nghệ toàn cầu có thể gia tăng đáng kể khả năng hiển thị và doanh thu của ứng dụng trong thời đại số. Đồng thời, việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài cũng mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng phát triển của ngành công nghệ số Việt Nam, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư, giúp lĩnh vực này phát triển vượt bậc.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, tổng số lượt tải về các ứng dụng di động của Việt Nam đạt gần 300 triệu lượt, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu trực tiếp từ các giao dịch trên ứng dụng di động tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, số lượng các ứng dụng có người dùng trên 10 triệu, tổng cộng có 7 ứng dụng gồm: Zalo, Zing Mp3, Báo Mới, Ví MoMo, MB Bank, VNEID, My Viettel và 11 ứng dụng có từ 5 đến 10 triệu người dùng...