Công trình kiến trúc cổ mới được phát hiện nhờ công nghệ quét laser. Ảnh: npr.org
|
Ngày 27/2, Thông báo mới nhất của Quỹ Di sản văn hóa và thiên nhiên Maya (PACUNAM) - đơn vị tài trợ dự án điều tra khoa học mang tên LiDAR (Light Detection and Ranging) - cho biết nhờ vào công nghệ quét laser mới qua các thảm thực vật của rừng rậm, các nhà nghiên cứu đã xác định được 60.000 công trình riêng lẻ tại khu vực trung tâm của thành cổ Tikal - một trong những “mỏ” khảo cổ lớn nhất về nền văn minh Maya.
Trong số này đáng chú ý có 4 nhà hành lễ và một kim tự tháp 10 tầng cao tới 30 mét, mà trước đây bị lầm tưởng là một đồi đất. Mục đích ban đầu của LiDAR là xác lập một bản đồ phân giải cao tại một khu vực rộng 2.100 km2 tại Khu Dự trữ sinh quyển Maya.
Thành viên nhóm nghiên cứu Francisco Estrada-Belli, Đại học Tulane tại New Orleans (Mỹ), nhận định: “Những địa điểm được xây dựng kiên cố và những con đường lát đá lớn cho thấy trình độ thay đổi bộ mặt thiên nhiên của người Maya mà trước đây không thể mường tượng ra được”.
Cùng với Azteca, Maya là nền văn minh phát triển nhất của vùng Trung Mỹ cổ đại, nổi bật với trình độ toán học và kỹ thuật cao cho phép những cư dân của nền văn minh này tỏa đi khắp vùng Trung Mỹ và cả một phần Mexico hiện tại.
Trong khi đó, Tikal là một trong những thành phố cổ của người Maya được nghiên cứu nhiều nhất dù hiện đã “chìm” trong rừng Petén, và PACUNAM cho rằng với những dữ liệu mà công nghệ mới cung cấp có thể tin rằng tòa thành cổ này “lớn hơn rất nhiều so với dự báo trước đây” khi chỉ riêng khu trung tâm đô thị được đặt tên El Palmar cũng đã lớn gấp 40 lần so với tính toán của các bản đồ hiện có.
Các khu định cư lớn của người Maya bắt đầu được xây dựng vào khoảng những năm 1.000 trước Công nguyên, khi nền văn minh này bước vào kỷ nguyên vàng, nhưng các thành phố chính của họ bị sụp đổ khoảng thế kỷ thứ X, khá lâu trước khi các nhà chinh phục châu Âu xuất hiện. Cho tới nay, nguyên nhân của sự sụp đổ bất ngờ này vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học.