Phát triển 5G - Bước đi quan trọng để Việt Nam tiến xa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Với tốc độ phát triển như vũ bão của internet, 5G là hạ tầng thiết yếu có khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng khối lượng kết nối trên không gian mạng.

Hạ tầng số trên nền tảng công nghệ 5G đã và đang mở ra không gian mới để phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, đem đến nhiều giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Phát triển 5G là bước đi quan trọng để Việt Nam tiến xa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chú thích ảnh
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức ra mắt cộng đồng công nghệ toàn cầu chipset 5G và Vi An - Human AI, ngày 15/10/2024. Ảnh: TTXVN

5G - Bước nhẩy vọt về công nghệ

Sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, 15/10/2024, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel (Tập đoàn Viettel) đã chính thức thương mại mạng 5G Viettel; triển khai đồng loạt hơn 6.500 trạm phát sóng (BTS), phủ sóng 100% tại: Thủ phủ của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. Đầu tháng 11/2024, có khoảng 3 triệu người dùng mạng 5G Viettel. Đến nay, khoảng 70% thuê bao trong vùng phủ 5G Viettel đã sử dụng 5G (tương đương 4 triệu người dùng).

Hiện nay, trung bình mỗi thuê bao 5G của Viettel tiêu thụ khoảng 21GB data mỗi tháng, gấp 1,7 lần so với thời điểm mới triển khai 5G. Chắc chắn, việc sử dụng các dịch vụ 5G sẽ còn tăng hơn nữa trong năm 2025. Ông Lê Bá Tân, Trưởng ban Kỹ thuật, Tập đoàn Viettel chia sẻ, Viettel hiện có khoảng 66 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet, trong đó có khoảng 10 triệu thuê bao Viettel trên toàn quốc có thiết bị đầu-cuối 5G.

Như vậy, còn khoảng 6 triệu thuê bao đang đáp ứng sẵn sàng về công nghệ để trải nghiệm 5G là nguồn dư địa lớn để Viettel mở rộng. Hiện lưu lượng internet 5G đã chiếm hơn 30% ở những khu vực triển khai. Trong năm 2025, Viettel tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 5G để đáp ứng nhu cầu nâng cao trải nghiệm dịch vụ của khách hàng đến các khu vực trung tâm các huyện.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Việt Nam đã đi sau nhiều quốc gia khi tiếp cận các công nghệ 2G, 3G, 4G. Với 5G, lần đầu tiên Việt Nam có thể song hành với thế giới trong việc ứng dụng công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng 4.0, trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất. Với việc làm chủ nhiều hệ thống mạng lõi quan trọng, Tập đoàn Viettel đã đưa Việt Nam gia nhập nhóm 5 quốc gia đầu tiên sản xuất được thiết bị mạng 5G, chỉ sau: Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Việc Viettel chính thức cung cấp dịch vụ 5G được xem là cú huých để các nhà mạng khác tham gia vào tiến trình thương mại hóa 5G mạnh mẽ hơn, thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng công nghệ số. Theo đó, cuối 12/2024, VinaPhone là nhà mạng thứ 2 khai trương mại hóa 5G tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, công nghệ 5G sẽ kết hợp với các công nghệ hiện đại khác như: Đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)... tạo thành hệ sản phẩm, dịch vụ để phục vụ rộng khắp mọi lĩnh vực, khía cạnh của nền kinh tế và toàn bộ xã hội. Đây là cơ hội để VNPT khai phá không gian kinh doanh mới, khẳng định với Chính phủ, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân về việc sẽ mang lại các giá trị mới.

Như vậy, tính đến cuối năm 2024, hai nhà mạng lớn tại Việt Nam đã chính thức thương mại hoá 5G.

Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), đơn vị đã được cấp giấy phép khai thác băng tần C3 và đang nhanh chóng, khẩn trương làm các thủ tục để thương mại hóa 5G trong những tháng đầu năm 2025.

Chú thích ảnh
VinaPhone 5G tiên phong siêu tốc độ, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đạt nhất và mang lại tốc độ internet 5G nhanh nhất Việt Nam dựa trên băng tần ưu việt 3.700 - 3.800 Mhz. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đáng nói, để tiết kiệm chi phí, VNPT và MobiFone đã ký thỏa thuận chiến lược, chia sẻ hạ tầng. Hai bên đã tiến hành thử nghiệm liên quan đến 4G và tới đây là 5G. Thỏa thuận giúp tăng khoảng 50% vùng phủ sóng của hai doanh nghiệp. Bước đầu, VNPT sẽ triển khai ít nhất 3.000 vị trí và nhanh chóng mở rộng trong giai đoạn tiếp theo nhằm bảo đảm phủ sóng mạnh mẽ, ổn định và liên tục, đặc biệt tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc.

Hạ tầng số đảm bảo phát triển hệ sinh thái 5G

Ngày nay, hạ tầng số là “xương sống” quan trọng để các quốc gia phát triển kinh tế xã hội, thay đổi phương thức sống, cải thiện chất lượng cuộc sống theo hướng thông minh hơn. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số cần hạ tầng số. Là hạ tầng chiến lược, giống như giao thông, điện…, hạ tầng số luôn phải đi trước, đầu tư trước, có tầm nhìn xa, có khả năng mở rộng cho hàng chục năm tiếp theo.

Hạ tầng số gồm: Hạ tầng viễn thông, internet, dữ liệu, hạ tầng để số hoá thế giới thực… Hạ tầng số Việt Nam phải đảm bảo băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, thông minh, mở, xanh và an toàn. Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông nhận định, hạ tầng số tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, mở ra cơ hội mới, không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông. Trên nền tảng hạ tầng số,  việc ứng dụng công nghệ mới góp phần để Việt Nam đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, giải quyết các bài toán của mình và phát triển bứt phá trong thời đại số.

Năm 2024, thuê bao 5G toàn cầu có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ với 2,2 tỷ người dùng, tương đương 26% thuê bao di động. Trên thế giới, hiện có khoảng 320 nhà mạng đã chính thức thương mại 5G, phủ rộng đến 110 quốc gia và 55% dân số. Dự báo, từ năm 2025, lưu lượng 5G sẽ vượt xa mức 4G, trở thành công nghệ thúc đẩy nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Di động Viettel Telecom cho biết, Viettel ưu tiên phát triển kết nối băng thông rộng không dây (FWA), truyền hình ảnh chất lượng cao trực tiếp (Ultra HD video/livestream), chăm sóc sức khoẻ từ xa và mua sắm với trải nghiệm tương tác với thực tế ảo AR. Viettel triển khai hệ sinh thái 5G cho doanh nghiệp bao với các giải pháp cho 8 nhóm lĩnh vực được ưu tiên là: Y tế, giáo dục, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, thành phố thông minh, năng lượng, giao thông vận tải và logistic.

Ông Bùi Lê Hà, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ và Y tế số MedOne (Hệ thống y tế Medlatec) cho biết, 5G mang lại nhiều giá trị cho lĩnh vực y tế, cụ thể trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ và giúp cải thiện kết nối giữa bệnh nhân và bác sĩ. Sự khác biệt lớn nhất của 5G là khả năng kết nối nhiều thiết bị cùng một lúc với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với 4G và độ trễ chỉ khoảng 1ms. Điều này cho phép các thiết bị theo dõi sức khoẻ hoạt động một cách hiệu quả nhất, giúp quản lý hệ thống y tế theo mô hình phi tập trung. Nhờ đó, trải nghiệm người dùng được nâng cao cũng như cải thiện khả năng chăm sóc sức khỏe từ xa của bệnh nhân.

Hiện 5G được triển khai trong dịch vụ chăm sóc tại nhà và theo dõi bệnh nhân từ xa (giúp bệnh nhân nhận được sự chăm sóc liên tục mà không cần phải đến bệnh viện) và dịch vụ cấp cứu thời gian thực (xe cứu thương sẽ được trang bị kết nối tốc độ cao, cho phép cập nhật hồ sơ bệnh án ngay trên đường đi giúp việc truyền tải thông tin nhanh chóng và chính xác). 5G cũng đang được triển khai trong dịch vụ khám bệnh ảo, cho phép bệnh nhân và bác sĩ tương tác qua gọi hình ảnh (video call) chất lượng cao tạo ra trải nghiệm khám bệnh mọi chỗ, mọi nơi mà hiệu quả như khi đến trực tiếp các cơ sở y tế.

Chú thích ảnh
Sau khi được cấp phép chính thức, Tập đoàn VNPT đã khẩn trương triển khai lắp đặt hạ tầng và trạm thu phát sóng VinaPhone 5G trên toàn quốc. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

5G không chỉ là một bản nâng cấp thông thường của 4G mà là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực viễn thông. Trong kỷ nguyên số, mạng 5G hiện đang định hình lại các kết nối toàn cầu. Tuy nhiên, trong tương lai của kết nối không chỉ có vấn đề tốc độ. Quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ đươcc các đơn vị cung cấp trên nền tảng tốc độ cao, băng thông rộng. Người dùng cần những trải nghiệm kết nối tốt hơn, với độ tin cậy cao và khả năng phục vụ đa dạng các nhu cầu.

Để Việt Nam có được hệ sinh thái các dịch vụ 5G tiện ích đến từng cá nhân, các nhà cung cấp, phát triển internet và các tập đoàn doanh nghiệp công nghệ cần hợp tác chặt chẽ, tận dụng tối đa tiềm năng công nghệ 5G để đem lại sự khác biệt cho mọi hoạt động từ điều hành của Chính phủ, đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là an toàn trên không gian mạng để tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như người dân, doanh nghiệp chuyển dịch mọi hoạt động từ không gian thực lên không gian số.

Ngọc Bích (TTXVN)
Thương mại hoá mạng 5G: Thúc đẩy xây dựng hạ tầng số
Thương mại hoá mạng 5G: Thúc đẩy xây dựng hạ tầng số

Hai nhà mạng lớn tại Việt Nam đã chính thức thương mại hoá 5G vào cuối năm 2024. MobiFone dự kiến sẽ thương mại hoá 5G vào đầu năm 2025. Quá trình này thúc đẩy xây dựng hạ tầng số với tốc độ truy cập mạng nhanh hơn, gia tăng dịch vụ mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN