Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) liên quan tới chủ đề “Tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh, phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững”.
Ông có thể đánh giá về ý nghĩa cũng như định hướng của thông điệp “Tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh, phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững”?
Hưởng ứng Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10/2022, Việt Nam tập trung đề cao vai trò, ý nghĩa của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế trong việc thúc đẩy năng lượng xanh phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững. Với chính sách khuyến khích của Chính phủ, các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch đã có sự phát triển mạnh mẽ, đây là xu hướng tất yếu giúp chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh, đảm bảo cho các mục tiêu phát triển bền vững trên tất cả các mặt, bao gồm khí hậu, tài nguyên, đa dạng giới và hòa nhập… Ở kỷ nguyên mới, năng lượng xanh đang bứt tốc khẳng định thế thượng phong đóng góp quan trọng để duy trì phát triển kinh tế xã hội mang tính bền vững và có ý nghĩa tốt đẹp hơn, giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu, làm sạch không khí, nước và đất đai mà còn nâng cao chất lượng tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống con người, đây là điều cần thiết cho một cuộc sống lành mạnh.
Mục đích chính mà con người tận dụng nguồn năng lượng xanh là giảm thiểu các tác động có hại lên môi trường tự nhiên. Hiện nay, việc sản xuất năng lượng dù ít hay nhiều đều gây ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên, năng lượng xanh lại tác động rất ít, do đó với sự phát triển bền vững của tương lai thì việc sử dụng năng lượng xanh là điều tất yếu.
Năng lượng xanh cũng là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa trong dài hạn. Đặc biệt, năng lượng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh…
Năng lượng xanh mang lại nhiều lợi ích cho con người như: góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, năng lượng xanh là nguồn năng lượng vô hạn…, hướng chúng ta đến sự phát triển văn minh và bền vững. Lợi ích của năng lượng xanh đang được khai thác mạnh mẽ trên toàn thế giới, là định hướng đúng và cần được phát huy nhiều hơn nữa.
Qua thông điệp năm nay, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập hướng tới thúc đẩy năng lượng xanh, phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững?
Vai trò của tiêu chuẩn đối với năng lượng xanh là đến năm 2050, 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống ở các thành phố, nhiều hơn 20% so với bây giờ. Theo một nghiên cứu của Liên hợp quốc thực hiện, các thành phố tiêu thụ trên 75% tài nguyên thiên nhiên, thải ra 60 - 80% khí nhà kính và sản xuất trên 50% lượng rác thải toàn cầu.
Tiêu chuẩn tạo điều kiện cho các giải pháp xanh, liên quan đến việc giảm tác động khí hậu và liên quan đến việc triển khai và thực hiện các giải pháp xanh trên toàn chuỗi giá trị. Tiêu chuẩn có vai trò rất quan trọng đối với sự chuyển đổi xanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nó có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi xanh, giảm tác động đến môi trường, tăng cường sử dụng các vật liệu thân thiện với khí hậu và phân phối nhiều hơn các giải pháp xanh là lợi ích của việc áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh.
Nghiên cứu gần đây của Oxford Research cho thấy, 45% các công ty tại Đan Mạch sử dụng các tiêu chuẩn để triển khai các giải pháp xanh, góp phần giảm tác động đến môi trường cho khách hàng hoặc người dùng cuối. Khi nói đến việc bán các sản phẩm và dịch vụ, mức độ tin tưởng cao vào các giải pháp là rất quan trọng đối với khách hàng cũng như việc trao đổi thông tin đơn giản hơn về những giải pháp này. Thực tế là các tiêu chuẩn đóng góp vào chất lượng của các giải pháp như vậy rất quan trọng đối với các công ty.
Các tiêu chuẩn có ý nghĩa to lớn đối với quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là vì khả năng chuyển đổi thị trường theo hướng xanh hơn và hoạt động như một yếu tố thúc đẩy cho công nghệ mới. Theo đó, các tiêu chuẩn hoạt động như một ngôn ngữ chung, giúp xác định và chứng minh các sản phẩm và giải pháp xanh tuân thủ các tiêu chuẩn và từ đó ghi nhận chất lượng sản phẩm phù hợp thì việc tiếp thị và bán chúng cho khách hàng sẽ dễ dàng hơn. Về cơ bản, các tiêu chuẩn cung cấp cho khách hàng sự tin tưởng rằng các sản phẩm và dịch vụ mà họ mua là xanh.
Tiêu chuẩn giúp các tổ chức giảm tiêu thụ năng lượng và áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo, đảm bảo khả năng tương tác, khuyến khích chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, mở ra thị trường cho những đổi mới nhằm giải quyết thách thức năng lượng toàn cầu. Các tiêu chuẩn về năng lượng giúp hướng tới “năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người”, một trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, lộ trình toàn cầu mới nhằm cải thiện cuộc sống của con người vào năm 2030.
Năng lượng xanh chính là tạo ra nguồn năng lượng không gây hại đến môi trường sống của con người. Năng lượng xanh có rất nhiều loại, đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong thực tế đời sống. Hiện nay những nguồn năng lượng xanh được nhắc đến là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng, năng lượng nước, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối, năng lượng nhiên liệu sinh học… bao gồm cả năng lượng hạt nhân vì trong trạng thái hoạt động nó sản sinh lượng chất thải thấp hơn nhiều lần so với sử dụng than đá hoặc dầu mỏ.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về năng lượng xanh hiện hành có khoảng 200 tiêu chuẩn liên quan đến năng lượng xanh, bao trùm các lĩnh vực như quản lý năng lượng; quản lý môi trường (khí nhà kính, nhãn môi trường); tái sử dụng nước; Thu giữ, vận chuyển cacbon dioxit; sản phẩm và quá trình công nghiệp, vận tải, tòa nhà, nhiên liệu sinh học, năng lượng tái tạo…
Hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Vậy xin ông cho biết những định hướng chiến lược trong việc thúc đẩy tiêu chuẩn trong thời gian sắp tới?
Định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược của một số ngành, lĩnh vực trọng tâm của đất nước, giải quyết các yêu cầu về tiêu chuẩn hóa đối với các sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các bộ, ngành, địa phương; tập trung các hoạt động nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ; lấy đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn. Tiếp tục xây dựng nhóm tiêu chuẩn trọng yếu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó, ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh... đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!