Mô hình trên được công bố tại Hội nghị Ứng dụng vệ tinh Trung Quốc, do Viện Truyền thông Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh. Giám đốc công nghệ của CasTianta Tech - ông Dong Weihua cho biết Huashan sử dụng AI để hỗ trợ người dùng trong việc điều khiển vệ tinh thông minh, tính toán quỹ đạo, phân tích và tạo mã lệnh, qua đó đảm bảo hoạt động suôn sẻ của vệ tinh trong quỹ đạo.
Mô hình này không chỉ dựa trên chuyên môn trong quản lý vệ tinh mà còn cung cấp một nền tảng cho việc quản lý tàu vũ trụ, đào tạo nhân sự và điều khiển vệ tinh thông minh thông qua tương tác bằng giọng nói và văn bản.
Ông Dong Weihua nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý vệ tinh hiệu quả, nhấn mạnh rằng đây là yếu tố then chốt để đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên vệ tinh, cung cấp dịch vụ vệ tinh ổn định và đáng tin cậy, đồng thời hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của công nghệ vệ tinh.
Khi được phóng lên, vệ tinh sẽ truyền về mặt đất khối lượng lớn dữ liệu. Tuy nhiên, một kỹ sư chỉ có thể quản lý một số lượng hạn chế vệ tinh, trong khi số lượng vệ tinh trong quỹ đạo đang gia tăng nhanh chóng. Theo ông Dong Weihua, số lượng nhân lực hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.
Số liệu từ công ty tư vấn CCID Consulting cho thấy ngành công nghiệp vệ tinh toàn cầu đã tăng trưởng nhanh chóng từ năm 2020, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm của các vụ phóng vệ tinh đạt 32% trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2023.
Ông Dong Weihua nhấn mạnh: "Khi các phương pháp làm việc truyền thống không đáp ứng được nhu cầu, việc tận dụng AI trở nên cần thiết để giải quyết quy mô thay đổi trong quản lý vệ tinh. Đó chính là tầm nhìn của công ty (CasTianta Tech) đằng sau sự phát triển của mô hình Huashan".