Đây cũng là dấu mốc quan trọng để các ngành, các cấp, các địa phương và người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào cuộc sống, cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới một xã hội phát triển bền vững, công nghệ cao, thịnh vượng.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN phỏng vấn Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học.
Thưa Giáo sư Chu Hoàng Hà, Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển công nghệ sinh học của nước ta?
Công nghệ sinh học là lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thế giới, cũng như Việt Nam. Từ năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ra Chỉ thị số 50-CT-TW và đến năm 2016, Kết luận 05-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, cũng như mới đây nhất là Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đây là những định hướng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của công nghệ sinh học nước ta, thể hiện quan điểm, chủ trương và chỉ đạo của Đảng với sự phát triển của một ngành khoa học - công nghệ quan trọng với triển vọng đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Nghị quyết 36/NQ-TW được ban hành rất kịp thời trong tình hình mới. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thế giới vừa trải qua đại dịch COVID-19 càng cho thấy tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa… cũng như các cơ hội, lợi ích cần tranh thủ, tận dụng cho sự phát triển của đất nước.
Thưa Giáo sư Chu Hoàng Hà, ông đánh giá như thế nào về vị trí, năng lực của ngành công nghệ sinh học nước ta hiện nay so với các nước trên thế giới?
Công nghệ sinh học đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nước ta. Đặc biệt là sau gần 20 năm từ khi có Chỉ thị 50-CT-TW vào năm 2005, ngành công nghệ sinh học đã có sự phát triển vượt bậc về đội ngũ các nhà nghiên cứu công nghệ sinh học cả về số lượng và chất lượng, nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng các phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học đã có sự tiến bộ. Tuy nhiên, so với nhu cầu thì phải thẳng thắn thừa nhận rằng ngành công nghệ sinh học nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là số lượng các doanh nghiệp công nghệ sinh học còn thiếu và yếu, chưa hình thành được thị trường khoa học - công nghệ cho ngành công nghệ sinh học. Theo nhận định của tôi, so với các nước trong khu vực ASEAN, ngành công nghệ sinh học của Việt Nam đang đứng vị trí thứ 4 - 5 sau các nước là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Với năng lực của ngành công nghệ sinh học nước ta hiện nay, Giáo sư đánh giá như thế nào về khả năng đạt mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết là “đến năm 2030, nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng”. Ông có thể nói rõ hơn đó là những lĩnh vực nào của ngành công nghệ sinh học, thưa Giáo sư?
Theo tôi, mặc dù năng lực công nghệ sinh học còn chưa cao, nhưng Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định và một số lĩnh vực nên tập trung phát triển trong thời gian tới để phục vụ sự phát triển của đất nước.
Cụ thể, những lĩnh vực thuộc ngành công nghệ sinh học mà chúng ta có thể tập trung phát triển trong thời gian tới là: ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp như: chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phát triển vaccine, các chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp, thức ăn cho chăn nuôi thủy sản, phân bón sinh học… Bên cạnh đó, công nghệ sinh học cũng cần áp dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt thông minh…
Với ưu thế về phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp chế biến trong tương lai cũng cần được áp dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh với thị trường thế giới.
Một lĩnh vực khác trong tương lai cần tập trung ứng dụng công nghệ sinh học tại nước ta là lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe như các loại thuốc sinh học, vaccine, thuốc từ dược liệu. Cùng với đó là áp dụng công nghệ sinh học trong các liệu pháp điều trị bệnh như: liệu pháp tế bào gốc, liệu pháp gen, y học tái tạo, y học cá thể…
Trong xu thế chuyển đổi xanh của thế giới, nước ta là một trong những quốc gia đi đầu với cam kết giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050, do đó, việc áp dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Các chế phẩm sinh học có thể được sử dụng để xử lý mùi hôi tại các chuồng trại, ô nhiễm sông, hồ, nước thải. Việc áp dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường còn giúp phân hủy các độc chất vô cơ và hữu cơ, xử lý chất thải công nghiệp; xử lý các sự cố tràn dầu hay ô nhiễm dầu…
Một lĩnh vực quan trọng khác cần áp dụng công nghệ sinh học tiên tiến là an ninh - quốc phòng. Đơn cử như việc sử dụng dữ liệu sinh học, ADN để định danh hài cốt liệt sỹ, giải quyết hậu quả chiến tranh cùng nhiều ứng dụng khác rất cần thiết trong thời gian tới.
Thuận lợi, khó khăn của việc ứng dụng công nghệ sinh học tại nước ta hiện nay như thế nào, thưa Giáo sư?
Những thuận lợi cho việc phát triển công nghệ sinh học có thể kể đến như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước qua các chủ trương, chính sách đã được ban hành như Chỉ thị số 50-CT-TW, Kết luận 05-KL/T, Nghị quyết 36/NQ-TW… cũng như nhiều quyết định về chiến lược, chương trình phát triển công nghệ sinh học của Chính phủ.
Bên cạnh đó, nước ta có thuận lợi là nước có nền sản xuất nông nghiệp khá phát triển và có nhu cầu lớn về công nghệ, các sản phẩm công nghệ sinh học cho sản xuất nông nghiệp. Các lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm cũng có nhu cầu lớn áp dụng công nghệ sinh học trong tương lai. Ngoài ra, nước ta là nước có dân số đông, người dân năng động, thế hệ trẻ ham học hỏi cũng là một lợi thế về nguồn nhân lực phát triển ngành công nghệ sinh học trong tương lai. Cùng với đó nước ta có nhu cầu lớn về áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh… Với khí hậu nóng ẩm, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao, đây cũng là lợi thế để nước ta phát triển công nghệ sinh học trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển công nghệ sinh học của nước ta cũng đã được nhìn nhận trong Nghị quyết số 36/NQ-TW và các nhà khoa học, quản lý đóng góp như: hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất, đôi lúc còn cản trở việc ứng dụng công nghệ sinh học vào cuộc sống, sản xuất. Đặc biệt là chính sách phát triển thị trường khoa học – công nghệ trong đó có lĩnh vực công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, do nguồn lực còn yếu nên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học còn hạn chế, thiếu tính liên tục và đồng bộ, chưa có nhiều đề tài, dự án khoa học – công nghệ về ứng dụng công nghệ sinh học mang tầm chiến lược, có tính đột phá để giải quyết những vấn đề lớn và bức thiết của đời sống. Một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học còn lạc hậu so với thế giới và chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Nguồn nhân lực công nghệ sinh học còn thiếu hụt về số lượng và một số lĩnh vực của ngành này còn yếu về chất lượng. Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu về công nghệ sinh học nhìn chung còn kém, thiếu đồng bộ. Chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh đầu tư vào công nghệ sinh học, dẫn đến nền công nghiệp sinh học của nước ta còn rất hạn chế, thiếu thị trường cho khoa học - công nghệ nói chung và công nghệ sinh học nói riêng.
Để khắc phục những khó khăn, tận dụng triệt để những ưu thế nội tại đó, cần những giải pháp gì để Nghị quyết số 36/NQ-TW đi vào đời sống, thưa Giáo sư?
Nghị quyết số 36/NQ-TW đã chỉ rõ phương hướng, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Trong đó có thể kể đến các giải pháp chính như: tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cả cộng đồng, công chức, viên chức, các doanh nhân, người dân thấy được vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghệ sinh học, ứng dụng của nó trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, y học, môi trường…
Nghị quyết cũng đề ra phương hướng, giải pháp xây dựng hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học như: chính sách về phát triển thị trường công nghệ sinh học, thu hút nhân lực, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sinh học, quản lý dược phẩm, giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Cùng với đó, để phát triển công nghệ sinh học trong thời gian tới, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học, gắn học tập với thực hành nghiên cứu, thực tiễn sản xuất; chú trọng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành có uy tín; tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hình thành hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học đạt tiêu chuẩn quốc tế theo quy hoạch đã được phê duyệt; tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học nền tảng của công nghệ sinh học là khoa học sự sống và các ngành khoa học liên quan, làm nền tảng để phát triển công nghệ sinh học với đặc thù của Việt Nam, phát triển các công nghệ lõi, công nghệ nền tảng; hình thành các cơ sở ươm tạo công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ trong ngành công nghệ sinh học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế…
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!