Xây dựng cộng đồng các nhà phát triển điện toán biết nhận thức Việt Nam

Với sự hợp tác giữa IBM và Five9, các doanh nghiệp tại Việt Nam lần đầu tiên sẽ được tiếp cận với Điện toán biết nhận thức – hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng học hỏi, lập luận và xử lý ngôn ngữ tự nhiên trên nền tảng điện toán đám mây của IBM.

Ngày 20/4, tại Hà Nội, IBM và Five9 đã chính thức công bố quan hệ hợp tác với "động thái" đầu tiên là  đưa Điện toán biết nhận thức phổ cập sâu rộng hơn trong các doanh nghiệp và người dùng Việt Nam.

Theo đó, Five9 sẽ là đơn vị tiên phong tại Việt Nam sử dụng giao diện lập trình ứng dụng Watson API trên nền tảng đám mây IBM Bluemix, nhằm triển khai các giải pháp mang tính thay đổi toàn diện các ngành kinh tế, xã hội; khởi đầu sẽ là ngành tài chính - ngân hàng, y tế và truyền hình. 


"Five9 sẽ là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam xây dựng các ứng dụng (app) với các năng lực của Điện toán biết nhận thức (Cognitive Computing), phân tích các dữ liệu phi cấu trúc thu thập được từ mạng xã hội nhằm phục vụ cho mục đích thương mại. Đơn cử như các đơn vị tài chính-ngân hàng có thể phân tích những tương tác của khách hàng trên mạng xã hội để dự đoán nhu cầu khách hàng và đưa ra những sản phẩm và chương trình khuyến mại phù hợp, kịp thời, như cho vay sửa nhà, mua xe. Còn các hãng bảo hiểm có thể dễ phát hiện và ngăn chặn các trường hợp trục lợi bảo hiểm khi điện toán biết nhận thức có thể tự phân tích hồ sơ dữ liệu số và đưa ra cảnh báo các trường hợp bất thường", đại diện Five9 cho biết.

Lễ ký kết hợp tác.

Theo thoả thuận hợp tác giữa Five9 và IBM, Five9 sẽ được IBM hỗ trợ đào tạo với mạng lưới chuyên gia về kỹ thuật và chuyên gia về từng ngành kinh tế.


Trong bước đầu tiên để đưa Điện toán biết nhận thức vào Việt Nam, Five9 sẽ hợp tác với các trường đại học đào tạo công nghệ thông tin hàng đầu, gồm: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Công nghệ- Đại học Quốc gia, Viện CNTT và Truyền thông - Học viện Bưu chính Viễn thông, và Viện CNTT - Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự; để đào tạo và chuyển giao cho Giảng viên và Sinh viên các trường này các kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ Điện toán đám mây và Điện toán biết nhận thức của IBM. 


Chương trình hợp tác này có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ nhân sự/cộng đồng CNTT chuyên sâu về Công nghệ điện toán biết nhận thức tại Việt nam. Từ đó, sẽ đóng góp một phần vào công cuộc chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao giá trị gia tăng cũng như làm chủ công nghệ của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam hướng tới xuất khẩu phần mềm trong lĩnh vực này.


Cùng với đó, Five9 đã ký kết với ba doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam VTVlive, OneNet và BIDV (chi nhánh Hoài Đức) để triển khai ứng dụng Điện toán biết nhận thức vào thực tế.


Với VTVlive, Five9 sẽ sử dụng công nghệ Điện toán biết nhận thức để cá nhân hoá chương trình truyền hình, gợi ý nội dung phim, truyền hình phù hợp với nhu cầu của từng người sử dụng dịch vụ. Với OneNet, Five9 sẽ đưa ứng dụng công nghệ điện toán biết nhận thức và Watson API vào chức năng hỗ trợ chuẩn đoán bệnh và phân tích số liệu thống kê của Phần mềm Quản lý Bệnh viện OneMes – phần mềm đã được triển khai trên 40 Bệnh viện và đạt 2 giải Sao Khuê. Với ngân hàng BIDV, Five9 sẽ hỗ trợ phân tích khả năng thanh toán và kênh liên lạc, truyền tải thông tin sản phẩm phù hợp tới khách hàng với công nghệ Điện toán biết nhận thức và Dữ liệu số lớn.


"Ứng dụng Điện toán biết nhận thức vào thực tế hiện vẫn còn mới trên thế giới. Cùng với IBM, Five9 sẽ triển khai công nghệ Điện toán biết nhận thức tại Việt Nam trên một quy mô toàn diện, hy vọng sẽ góp phần tạo ra những bước thay đổi mang tính đột phá trên mọi mặt của đời sống –kinh tế đất nước. Tôi cho rằng, cùng với sự góp sức của các Cơ quan quản lý Nhà nước, các Trường Đại học, các doanh nghiệp Phần mềm…. Việt Nam thậm chí còn có thể chiếm ưu thế so với các nước khác do chúng ta có lợi thế lượng người sử dụng dịch vụ viễn thông lớn, 35% dân số sử dụng mạng xã hội, thời gian mỗi người online bình quân tới 25 giờ mỗi tuần - cao hơn gần 15% so với bình quân chung trên thế giới. Chúng ta có thể xuất khẩu phần mềm hoặc gia công phần mềm ứng dụng công nghệ điện toán biết nhận thức, là những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn nhiều sản phẩm phần mềm thông thường”, ông Nguyễn Trọng Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Five9 chia sẻ.


Còn ông Eric Yeo, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam phát biểu: “Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Điện toán biết nhận thức để mang lại các dịch vụ mang tính cá nhân hoá đang phát triển ngày càng nhanh. Công nghệ Điện toán biết nhận thức không chỉ đơn giản là những hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng học hỏi, lập luận, hay xử lý ngôn ngữ biết tự nhiên, mà còn có ý nghĩa đại diện cho một mối quan hệ đối tác mới giữa con người và công nghệ. Khi hợp tác với Five9 để cung cấp các năng lực về điện toán biết nhận thức, IBM hy vọng sẽ tạo đà cho một cộng đồng các nhà phát triển điện toán biết nhận thức tại Việt Nam và thay đổi mãi mãi cách chúng ta không ngừng mở rộng hiểu biết trên bất kỳ lĩnh vực nào và giải quyết được những vấn đề phức tạp của đời sống”.

“Điện toán biết nhận thức” là khái niệm dùng để mô tả những hệ thống có khả năng học hỏi ở quy mô nhanh và sâu, luận giải có mục đích và tương tác với con người thông qua ngôn ngữ tự nhiên.


TT/Báo Tin Tức
IBM hỗ trợ Bình Dương triển khai 'Thành phố thông minh'
IBM hỗ trợ Bình Dương triển khai 'Thành phố thông minh'

Ngày 3/4, tại tỉnh Bình Dương, Tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu IBM đã công bố chính thức khởi động chuỗi dự án hợp tác giữa đoàn tình nguyện viên quốc tế của IBM (IB Corporate Service Corps- CSC) và tỉnh Bình Dương nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình triển khai tầm nhìn “Thành phố thông minh” từ nay đến năm 2020 của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN