Bangladesh là nước sản xuất đay lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, mặc dù giá sợi đay, còn gọi là "sợi vàng" được đặt tên theo màu sắc và giá trị từng một thời cao ngất ngưởng của nó, nay đã giảm do nhu cầu về loại sợi này giảm sút.
Tuy nhiên, nhà khoa học Bangladesh Mubarak Ahmad Khan, cố vấn của Công ty Dệt đay nhà nước Bangladesh (BJMC), đã phát minh ra phương pháp chế tạo sợi đay thành những tấm xenlulôza có khả năng tự phân hủy với chi phí thấp mà từ đó có thể sản xuất ra các túi đi chợ dùng một lần thân thiện với môi trường hơn với chất liệu và hình dáng giống túi nilon.
Theo ông Khan, túi làm từ sợi đay có thể tự phân hủy sau 3 tháng chôn trong lòng đất và có thể được tái chế. Hiện nay, Bangladesh đang sản xuất 2.000 túi/ngày để làm cơ sở thí nghiệm. Tuy nhiên, nước này có kế hoạch tăng sản lượng nhằm phục vụ mục đích thương mại sau khi ký một thỏa thuận hồi tháng 10/2018 với một công ty gói hàng của Nhật Bản, một chi nhánh của Anh.
Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã kêu gọi những nhà khoa học theo đuổi dự án này giúp xúc tiến việc mở rộng sử dụng loại túi này vì những lợi ích về kinh tế và môi trường mà chúng mang lại.
Tiếp đến tháng 4, Chính phủ Bangladesh đã thông qua khoản quỹ 900.000 USD nhằm giúp mở đường cho hoạt động sản xuất loại túi này trên quy mô lớn.
Theo nhà quản lý BJMC, ông Mamnur Rashid, một khi dự án này phát huy tác dụng, Bangladesh hy vọng có thể sản xuất túi này trong vòng 6 tháng phục vụ mục đích thương mại.
Bangladesh là một trong những nước đầu tiên ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilon và túi nhựa tổng hợp hồi năm 2002 nhằm bảo vệ môi trường trước tình trạng rác thải nhựa làm ô nhiễm sông suối, đại dương và trên đất liền. Tuy nhiên, hàng triệu túi nilon vẫn được sử dụng hằng năm tại quốc gia Nam Á này do thiết giải pháp thay thế và việc thực thi lệnh cấm có giới hạn.
Theo ước tính của Chính phủ Bangladesh, mỗi tháng có khoảng 410 triệu túi nhựa tổng hợp được sử dụng ở thủ đô Dhaka. Ở một số con sông của Bangladesh, như sông Buriganga, rác thải túi nilon tích tụ lại thành lớp sâu 3 mét trong lòng sông.
Theo giới chuyên gia và cựu quan chức môi trường Bangladesh, loại túi mới sẽ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do túi nilon gây ra bởi loại túi này có thể tự phân hủy hoàn toàn.