Phương pháp mới được các nhà khoa học Italy phát minh ra có tên gọi evoCas9, được mô tả giống một “cỗ máy phân tử”, làm từ protein Cas9 và một phân tử RNA. Khi được đưa vào hoạt động, phân tử evoCas9 sẽ tiếp cận và cắt đoạn ADN để chỉnh sửa đoạn ADN bị lỗi.
Đây là một enzyme có độ tin cậy tuyệt đối, nó chỉ làm thay đổi cấu trúc ở điểm đã được xác định. Độ chính xác của phương pháp mới này đã giúp công nghệ chỉnh gien có thể được ứng dụng trong y học lâm sàng. Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Italy đã được đăng ký bản quyền sáng chế và được đăng trên tạp chí Nature Biotechnology.
Giáo sư Anna Cereseto, tác giả chính của công trình nghiên cứu khẳng định: "Ở thời điểm hiện tại, phương pháp evoCas9 là tối ưu trên thế giới để chỉnh sửa gien”. Trên thực tế, các phương pháp chỉnh gen trước đây đều mắc phải lỗi hệ thống, đó là không chỉ chỉnh sửa các đoạn ADN bị lỗi mà còn tác động lên các chuỗi ADN xung quanh, gây ra những hiệu ứng không thể đoán trước.
Chính vì vậy, không thể ứng dụng các phương pháp này trong y học lâm sàng. Giám đốc Cibio, Alessandro Quattrone, nhấn mạnh: "Chỉnh sửa gien thực sự là khám phá thế kỷ không chỉ trong y học. Sáng chế này chắc chắn sẽ là đóng góp quan trọng nhất của chúng tôi cho sự phát triển của y học thế giới”.
Công nghệ chỉnh gien là phát minh lớn nhất của thế giới trong thế kỷ 21, được nghiên cứu và phát triển đầu tiên bởi Berkeley và MIT ở Boston, nhưng với nghiên cứu mới của các nhà khoa học Italy, công nghệ này đã đạt đến mức độ tin cậy và an toàn cần thiết trong các ứng dụng lâm sàng. Những kết quả nghiên cứu của Trung tâm Cibio không chỉ dừng lại ở việc điều trị các bệnh di truyền và các khối u mà còn có khả năng ứng dụng rộng rãi hơn trong lĩnh vực thực phẩm và chăn nuôi.