Theo trang mạng Popular Science, một hành tinh con cách Trái Đất 520 năm ánh sáng vừa mới chào đời.
Các nhà nghiên cứu tại Đài quan sát thiên văn Nam châu Âu (ESO) trụ sở ở Chile lần đầu tiên ghi lại khoảnh khắc một hành tinh được sinh ra. Cụ thể, vòng xoáy bụi và khí màu vàng xoay quanh ngôi sao trẻ AB Aurigae là những tín hiệu rõ ràng cho thấy đang có sự hình thành một hành tinh mới. Vòng xoáy vàng nằm cách ngôi sao nhỏ bằng khoảng cách từ Hải Vương tinh tới Mặt Trời.
Hình ảnh trên được cho là bức ảnh chụp rõ nét về sao AB Aurigae tính đến thời điểm hiện tại. Cách đây vài năm, ngôi sao này cũng đã được các nhà quan sát thực hiện nghiên cứu với dãy kính thiên văn ALMA đặt tại sa mac Chile – một trong những nơi khô hạn nhất thế giới.
Mô tả trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics số ra ngày 20/5, đồng tác giả công trình nghiên cứu cô Anne Dutrey thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý thiên văn tại Bordeaux (Pháp) viết: “Vòng xoáy bụi khí trước đó đã được đề cập trong một số mô hình lý thuyết về sự hình thành hành tinh".
Theo định nghĩa của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), các hành tinh hình thành từ vô số hạt bụi nhỏ hơn độ dày sợi tóc người và vòng xoáy khí xoay quanh các ngôi sao trẻ. Các hại bụi bị đập vỡ và đốt cháy do trọng lực và nhiều loại lực tổng hợp khác. Dần dần, các hạt bụi tích tụ và cô đặc như những quả bóng tuyết. Qua hàng triệu năm, những quả bóng tuyết này biến thành những viên sỏi cứng, sau đó là hình thành những tảng đá rộng hàng nghìn kilomet. Qua nhiều tỷ năm, một hành tinh mới xuất hiện.
Đài thiên văn Nam châu Âu đang trong quá trình xây dựng Kính thiên văn cực lớn với gương chính rộng 39 mét, được cho là sẽ cung cấp cái những hình ảnh rõ nét hơn về các hành tinh trong không gian. Với mục tiêu đi vào hoạt động vào năm 2025, thiết bị mới có thể phát hiện ra các hạt bụi nhỏ và các loại vật chất khác trong vòng xoáy khí, từ đó giúp quan sát quá trình động lực khí đóng góp vào sự hình thành của các hành tinh một cách trực tiếp và chính xác hơn.
Xem hình ảnh phóng to bên trong ngôi sao AB Aurigae (nguồn: ESO):